Để nâng cao văn hóa đọc cho học sinh, nhà trường đã xây dựng mô hình thư viện xanh với trên 3.000 đầu sách báo, việc đã bố trí, sắp xếp khoa học theo từng chủ đề, phù hợp với lứa tuổi của các em học sinh tiểu học, gồm sách phục vụ học tập, sách tham khảo, truyện tranh, các ấn phẩm báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng... Đặc biệt, không gian đọc sách tại thư viện được thiết kế xanh, sạch, đẹp có cây cối, hoa cỏ, ghế ngồi, bàn học, nên thu hút rất đông học sinh đến tìm đọc và mượn sách về nhà. Bên cạnh đó, nhà trường không ngừng đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách như xây dựng các câu lạc bộ về sách, tổ chức các hoạt động giao lưu, các cuộc thi, vận động học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn.
Tại thư viện xanh của nhà trường, vào các giờ ra chơi hoặc khi đến trường sớm, các bạn học sinh trong thường tập trung đọc sách theo từng nhóm. Khi đọc, các bạn còn trao đổi với nhau về những ấn phẩm hay, những gương về các bạn đội viên học giỏi, hát hay để học tập, noi theo.
Để khơi dậy tình yêu sách cho học sinh, nhà trường còn có nhiều hình thức thu hút các bạn đọc, nổi bật là hoạt động tiết đọc thư viện. Với các mô hình này, học sinh được tham gia nhiều sân chơi bổ ích, lý thú như: đọc sách; nghe cô giáo kể chuyện; viết, vẽ cảm nhận về cuốn sách đã được đọc; tìm hiểu, giải nghĩa các từ ngữ trong sách... Qua đó, học sinh không chỉ được cung cấp kiến thức từ sách mà còn được thể hiện năng khiếu cá nhân ... Từ đó, tạo cho các em sự hứng thú trong học tập, kỹ năng giao tiếp và cảm thụ văn học được nâng lên rõ rệt. Hoạt động góc thư viện ở các lớp học cũng phát huy hiệu quả tích cực. Thư viện nhà trường thường xuyên luân chuyển các loại sách, báo, tạp chí phù hợp với từng độ tuổi của học sinh để phục vụ học sinh tại các lớp học.
Thường niên, nhà trường luôn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam với nhiều hình thức như tổ chức ngày hội đọc sách, thi tìm hiểu về sách. Không chỉ có nguồn sách phong phú đáp ứng nhu cầu đọc cho học sinh, nhà trường còn đầu tư nhiều loại sách, báo phục vụ hoạt động dạy học của giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên có nguồn tư liệu cần thiết để bổ sung vào bài giảng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Thông qua các cuộc họp phụ huynh, trường luôn định hướng cho phụ huynh về việc lựa chọn sách phù hợp cho con, khuyến khích con đọc sách để phát triển tư duy.
Em Nguyễn Khánh Vy - lớp 5 trường Tiểu học Đan Trường tâm sự: "Tại thư viện, chúng em được tìm hiểu thêm rất nhiều thông tin bổ ích từ sách báo, ngoài những cuốn sách phục vụ cho học tập, ở đây có nhiều cuốn truyện tranh, báo Nhi đồng mà chúng em rất thích".
Nhờ quan tâm đẩy mạnh phong trào đọc sách, trường Tiểu học Đan Trường đã có nhiều thành công trong việc giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho học sinh. Cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học, trường tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình thư viện để phát triển văn hóa đọc cho học sinh, tạo cho học sinh sự hứng thú học tập, nâng cao vốn Tiếng Việt, khơi dậy khả năng tư duy, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.
Cô giáo Nguyễn Thị Lan
(Trường Tiểu học Đan Trường, Nghi Xuân, Hà Tĩnh)