Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần II năm 2024

Không ít học sinh có suy nghĩ thuốc lá điện tử ít độc hại hơn thuốc lá điếu

TP
Trong khuôn khổ phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024, chiều 28/9, 306 đại biểu chia làm 12 tổ thảo luận về 2 chủ đề: “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.

Những nguyên nhân khiến trẻ em hút thuốc lá

Tại tổ thảo luận số 5, các đại biểu dẫn số liệu cho biết, tình trạng hút thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu đang gia tăng trong học đường. Các bộ, ban, ngành liên quan, nhà trường và gia đình cần có sự phối hợp để bảo vệ trẻ em tránh xa khói thuốc.

Tổ thảo luận số 5, Quốc hội trẻ em lần II năm 2024.
Tổ thảo luận số 5, Quốc hội trẻ em lần II năm 2024.

Đại biểu Nguyễn Trân Linh (Thái Nguyên) cho biết các nguyên nhân gia tăng tỷ lệ hút thuốc lá trong trẻ em; nhiều học sinh trong độ tuổi từ 13 đến 17 hút thuốc để chứng tỏ trưởng thành; bị lôi kéo từ những nhóm bạn xấu; do tò mò và có điều kiện tài chính nên mua hút thử,...

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Linh Ngọc (Quảng Ninh) cho rằng, nhiều học sinh nghĩ rằng thuốc lá điện tử ít độc hại hơn thuốc lá thông thường. Do đó, khi học sinh cảm thấy áp lực, mệt mỏi sẽ tìm đến sản phẩm gây nghiện này để giải tỏa. Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử hiện nay đang được bán tràn lan với giá rẻ làm học sinh dễ tiếp cận và mua để sử dụng.

Phân tích vì sao học sinh hút thuốc sớm, đại biểu Nguyễn Ê Ban Vĩnh Thành (Đắk Nông) nhận định, nhiều trẻ em thiếu sự quan tâm của gia đình cộng thêm sự tò mò lứa tuổi dẫn đến việc dễ tiếp xúc và nghiện thuốc lá. "Hậu quả của hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, suy hô hấp, ung thư phổi",  vị đại biểu nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Đinh Thu Trà (Quảng Ninh) thấy rằng, đa phần học sinh hút thuốc do thiếu quan tâm từ gia đình. Tuy nhiên, thêm một lý do khác là học theo những hiện tượng người nổi tiếng trên mạng.

Các đại biểu thiếu nhi tích cực đóng góp trong cuộc thảo luận.
Các đại biểu thiếu nhi tích cực đóng góp trong cuộc thảo luận.

Đại biểu Lê Minh Dũng (Thái Nguyên) cho biết, theo khảo sát, có khoảng 20% học sinh Thái Nguyên đã và đang sử dụng thuốc lá, đây là con số đáng báo động. Đây đã dần trở thành xu hướng trong giới trẻ, khi bạn bè rủ rê nhau hút thuốc. 

Thông tin về chất gây hại trong thuốc lá, đại biểu Huỳnh Anh Thư (TP. Hồ Chí Minh) nêu lên có 300 hương liệu và chất gây hại. Tỉ lệ học sinh hút thuốc lá cũng gia tăng theo từng năm, theo đó, tỉ lệ học sinh hút thuốc đã lên đến 8% trong năm 2023.

Hiến kế phòng chống thuốc lá trong học đường

Đề xuất về phòng chống thuốc lá trong nhà trường, đại biểu Biện Nguyễn Khôi Nguyên (Hà Tĩnh) đưa ra giải pháp, các cơ sở giáo dục cần tạo ứng dụng tuyên truyền như: hộp thư ẩn danh gửi thông tin về học sinh hút thuốc, các mô hình mô phỏng,... để cho học sinh thấy được tác hại thuốc lá.

Tổ trưởng và Tổ phó của Tổ thảo luận 5 tóm tắt ý kiến của các đại biểu nêu ra.
Tổ trưởng và Tổ phó của Tổ thảo luận 5 tóm tắt ý kiến của các đại biểu nêu ra.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Nhi (Quảng Ninh) đề nghị cần tăng cường tổ chức tọa đàm, diễn đàn để học sinh có thể bày tỏ kiến nghị, gia đình cần có sự quan tâm đặc biệt đến con em mình, hướng dẫn các bạn tránh khỏi các chất kích thích và làm tấm gương để con noi theo. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội cần có buổi tổ chức tư vấn về tác hại của thuốc lá, phương pháp cai nghiện thuốc lá cho học sinh.

Về mặt luật pháp và quy định, đại biểu Trần Thị Khánh Huyền (Hà Tĩnh) kiến nghị, các địa phương tổ chức rà soát xử phạt cửa hàng bán thuốc trái phép; cơ quan lập pháp ra điều luật phải phải nhận dạng được đối tượng dưới 18 tuổi mua thuốc lá; tổ chức các hoạt động báo cáo ẩn danh học sinh hút thuốc và giữ bảo mật thông tin nhằm tránh hiện tượng xích mích.

Tổ thảo luận 5 chụp ảnh lưu niệm sau phiên họp.
Tổ thảo luận 5 chụp ảnh lưu niệm sau phiên họp.

Nhiều đại biểu kiến nghị cần có sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành. Đại biểu Phạm Minh Ánh (Quảng Ninh) đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có chương trình tuyên truyền, cai thuốc cho các học sinh; đại biểu Đinh Thu Trà đề nghị ngành Công an phối hợp với nhà trường, phụ huynh tìm hiểu, xử lý những đối tượng bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi; đại biểu Huỳnh Anh Thư (TP. Hồ Chí Minh) mong muốn, Bộ Y tế cần tuyên truyền cho học sinh về tác hại của thuốc lá đến sức khỏe học sinh, nâng cao nhận thức của lứa tuổi nhỏ về tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử.

Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" nhằm góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016, đặc biệt, là các quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 77 “tổ chức để trẻ em được tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân”; khoản 4, Điều 79 “Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm thường xuyên và định kỳ tiếp xúc với trẻ em hoặc đại diện trẻ em”.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em đối với các hoạt động chính trị, xã hội liên quan đến trẻ em phù hợp với tâm lý, khả năng của trẻ em. Tạo điều kiện để trẻ em được trau dồi tri thức, thực hiện tốt quyền và bổn phận của mình theo quy định của Luật Trẻ em. Thông qua hoạt động giúp các bạn thiếu nhi phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức các vấn đề về trẻ em; được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội; định hướng cho trẻ em nuôi dưỡng những ước mơ, rèn luyện, phấn đấu trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, xã hội.

Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em", diễn ra từ ngày 27 đến 29/9, các đại biểu thiếu nhi sẽ thảo luận 2 vấn đề lớn, gồm: “Phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường”. 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Không ít học sinh có suy nghĩ thuốc lá điện tử ít độc hại hơn thuốc lá điếu tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: "Nghị quyết của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em thấy như là Nghị quyết phiên họp thật của Quốc hội"

Sáng qua (29/9), tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" năm 2024, gửi gắm nhiều kỳ vọng và thông điệp quan trọng về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Báo TNTP&NĐ trân trọng giới thiệu toàn văn.

Bạo lực học đường, thuốc lá điện tử làm "nóng" nghị trường Quốc hội trẻ em

Sáng 29/9, tại Hội trường Diên Hồng (Tòa nhà Quốc hội), T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các bộ, ban ngành liên quan tổ chức Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II năm 2024.