2k3 vừa trải qua kì thi tốt nghiệp THPT, đi qua một mùa thi thật nhiều mệt mỏi và cả nguy hiểm vì dịch Covid-19. Trong lúc "giải lao" sau một thời gian vất vả ôn bài và chờ các trường thông báo kết quả trúng tuyển thì các bạn cũng nên chuẩn bị dần dần cho lần xa nhà 4 năm sắp tới.
Tìm được một chỗ ở trọ sạch đẹp, an toàn, giá cả hợp lý để yên tâm học tập là mối quan tâm hàng đầu của các bạn sinh viên. Việc tìm phòng trọ như thế nào cho hiệu quả và đỡ chi phí, công sức, thời gian nhất, đồng thời quan trọng là không bị mất oan một số tiền lớn vào các môi giới thì không phải ai cũng biết.
Và những kinh nghiệm hữu ích dưới đây sẽ giúp các bạn sinh viên bớt khó khăn hơn trong việc tìm phòng trọ cho mình.
1. Tìm chỗ ở đâu?
Thời đại 4.0 thì trên Internet có rất nhiều nơi mà bạn có thể khai thác thông tin, tham gia ngay những group thuê và cho thuê phòng trọ, nhà ở, chung cư,… trên các trang mạng xã hội đặc biệt như facebook. Chỉ cần gõ: "Phòng trọ+ Khu vực abc", sẽ có vô số lựa chọn cho các bạn tham khảo.
Bạn cũng nên "nằm vùng" ở những group cho thuê phòng trọ ở các khu vực lân cận vì thường những đơn vị cho thuê người ta thường đăng thông tin cho thuê lên nhiều group nhất có thể để tỉ lệ cho thuê được cao hơn và nhanh có người thuê hơn.
Còn muốn có nhiều tư vấn thực tế hơn thì có thể nhờ bạn bè, anh chị, hoặc lên các group dành cho sinh viên, group giao lưu của các sinh viên cùng trường để xin ý kiến tư vấn từ các members (thành viên) trong các nhóm, sẽ có được nhiều thông tin và sự lựa chọn hơn.
2. Kiểm tra chỗ ở như thế nào và cần cân nhắc những gì?
Nếu không có điều kiện đến xem xét trực tiếp thì có thể lên Google map tham khảo trước đặc biệt là giao thông và các dịch vụ tiện ích. Xem đường đến trường có gần không, dễ đi không, đoạn đường đó có an toàn, có hay tắc đường không, nếu chọn trọ xa trường thì có tuyến phương tiện công cộng đến trường không,…
Bên cạnh đó là những dịch vụ tiện ích cơ bản như quán ăn, hàng nước, chợ hoặc siêu thị, công viên và các dịch vụ giải trí,… Nhưng thường thì càng thuận tiện nhiều mặt bao nhiêu thì giá thuê sẽ độn lên bấy nhiêu vì thế các bạn nên cân nhắc kỹ.
Tiếp theo bạn cần hỏi cụ thể và trao đổi rõ ràng với đơn vị cho thuê về các loại chi phí cơ bản bao gồm:
- Giá thuê bao nhiêu, đóng hàng tháng hay theo kỳ, đóng tiền mặt hay chuyển khoản…
- Tiền cọc bao nhiêu và được hoàn trả trong những trường hợp nào? Thường thì tiền cọc sẽ bằng 1-2 tháng tiền thuê trọ, nếu cao hơn với mức này thì bạn nên lưu ý và cân nhắc lại hoặc thoả thuận với bên cho thuê để có mức cọc hợp lý.
- Giá điện, nước bao nhiêu? Có đồng hồ đo điện nước riêng không?
Không ít trường hợp các chủ nhà tự đặt ra mức đóng tiền điện, tiền nước cao hơn bình thường khiến cho những người đi thuê nhà ở (nhà trọ) phải chịu thiệt thòi và tổn thất về tiền bạc. Để tránh những rủi ro phát sinh khi đi thuê trọ, bạn có thể tham khảo cách tính tiền điện, nước dưới đây để bảo vệ quyền lợi của bản thân.
Tiền điện sẽ được tính bằng: (tham khảo bảng giá điện hiện hành)
Lượng điện tiêu thụ (kWh) * Giá điện (theo mức-có 6 mức) + 10% (GTGT).
Khác với tiền điện được áp dụng cụ thể trên cả nước thì tiền nước lại được áp dụng theo quy định riêng của từng địa phương, cho nên các bạn tham khảo bảng tính giá mỗi m3 tuỳ nơi.
Ví dụ như: Đối với những người đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, nếu bạn là người thuê nhà có hợp đồng từ 12 tháng trở lên sẽ được áp dụng giá nước sạch sinh hoạt theo 3 bậc cụ thể như sau:
+ Đến 4m³/người/tháng: 5.300 đồng/m³
+ Trên 4m³ đến 6m³/người/tháng: 10.200 đồng/m³
+ Trên 6m³/người/tháng: 11.400 đồng/m³
- Các phụ phí khác (nếu có): phí rác thải sinh hoạt, bảo vệ-an ninh, phí gửi xe, thang máy,... và hỏi rõ các chi phí phát sinh, phụ thu khác.
Khi đi thuê trọ thì bạn sẽ gặp 2 trường hợp là thuê trọ chung chủ và không chung chủ.
Nếu thuê trọ chung chủ thường thì giờ giấc sẽ không được thoải mái tự do, mặc dù chủ nhà sẽ điều chỉnh giờ giấc để hai bên đều thuận tiện nhưng một vài phương diện khác vẫn sẽ bất tiện, không tránh khỏi làm phiền đến nhau. Nếu bạn quyết định thuê trọ chung chủ thì đề nghị người cho thuê làm thêm cho bạn một chìa khóa nhà và khóa cổng, xem xét an ninh xung quanh hoặc có thể hỏi thăm các hộ dân gần đó về chủ nhà này…
Nếu thuê trọ không chung chủ đương nhiên bạn có thể tùy ý giờ giấc, thoải mái trong việc tham gia nhiều hoạt động khác hơn mà không sợ bị gò bó thời gian, song khi đến xem trọ trực tiếp cần chú ý dân cư xung quanh và trật tự an ninh gần đó, nếu thuê trọ trong ngõ hẻm sâu thì càng phải đặc biệt lưu ý.
Ở một mình đôi khi sẽ có cảm giác cô đơn, lúc đau ốm thì không ai chăm sóc,... nên nếu muốn ở ghép hay rủ bạn bè về ở chung thì hỏi trước xem đơn vị cho thuê cho tối đa bao nhiêu người cùng thuê chung.
3. Ký hợp đồng và đặt cọc thuê phòng
Hiện nay vẫn còn nhiều đơn vị cho thuê trọ không có các văn bản hợp hoặc giấy tờ cam kết thay thế cho việc đảm bảo quyền lợi hai bên, tốt nhất bạn vẫn nên đề nghị bên cho thuê làm hợp đồng cho thuê để tránh những tranh chấp không đáng có sau này.
Trước khi "bút sa gà chết" thì kiểm tra lại một lượt các dụng cụ điện tử, thiết bị, đồ đạc có trong phòng, nếu hư hỏng thì báo ngay cho bên đơn vị cho thuê kiểm tra và sửa chữa. Vì một lý do nào đó bạn báo trễ thì nhiều trường hợp người ta không nhận thậm chí còn trừ luôn vào tiền cọc trước đó. Cẩn thận dò xét lại mọi thứ trước khi ký bất kì một biên bản, hợp đồng nào.
Đảm bảo mọi thứ trong phòng đều ổn thoả cả thì đọc lại một lượt các điều khoản trong hợp đồng cho thuê và hợp đồng đặt cọc. Ký tên, nhận phòng và bắt đầu một cuộc sống tự lập đầy thú vị ngay thôi. Phải "an cư" thì mới "lạc nghiệp được". Mong các bạn 2k3 nhanh chóng tìm được cho mình một chỗ ở an toàn và thuận tiện.