Giấc mơ của cô học trò nghèo
Tờ báo Đội đã trở thành người bạn thân thiết sau mỗi giờ học. Cũng vì thế mà phòng Đoàn Đội của trường THCS Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An luôn “đông khách”, chúng tôi chuyền tay nhau tờ báo mới, một cách thích thú và nâng niu. Riêng tôi, khi đọc những bài viết trong đó, tôi hay tưởng tượng ra sự sung sướng khi một ngày tên của mình cũng được xuất hiện trên báo.
Để biến ước mơ ấy thành hiện thực, năm học lớp 7, tôi bắt đầu sáng tác thơ văn. Tôi dè sẻn, tiết kiệm từng đồng để mua thêm giấy bút vì để sáng tác ra được một bài thơ, một mẩu truyện ngắn thôi cũng tốn khá nhiều giấy mực và thời gian. Tôi nắn nót từng chữ, từng trang, gấp lại thật cẩn thận rồi cho vào phong bì thư để gửi. Hồi ấy, mỗi chiếc tem thư trị giá 800 đồng– đối với những học trò nhà nghèo như chúng tôi, số tiền ấy không hề nhỏ. Biết được say mê của tôi, thỉnh thoảng bố tôi lại cho con gái năm, ba nghìn để mua phong bì và tem thư. Nhà tôi ở rất xa bưu điện nên bố tôi cũng là người cầm những chiếc phong bì ấy đi gửi. Chờ đợi mãi, đến hết năm học mà tác phẩm của tôi vẫn chưa một lần được xuất hiện trên báo Đội. Nhưng tôi thì vẫn cứ kiên trì viết, biết đâu có một ngày...
Ngày đặc biệt nhớ mãi
Đó là một buổi chiều, nhóm chúng tôi đang chơi nhảy dây ở góc sân trường thì thầy Tổng phụ trách bước lại, trên tay cầm tờ báo Thiếu niên Tiền phong (TNTP), thầy gọi to:
- Sen ơi!
Chưa kịp đợi tôi trả lời, các bạn đã chạy thật nhanh về phía thầy và cùng reo lên:
- Ôi, Sen có bài đăng báo thật này!
- Truyện ngắn!
Và tụi nó quay lại, ôm vai, ôm cổ rồi nâng bổng tôi lên cao như một người hùng.
Thật bất ngờ, lần đầu tiên tôi có bài đăng báo ở chuyên mục Trang viết tuổi hồng. Truyện ngắn “Mười lăm”. Tụi bạn chốt hạ:
- Khi nào nhận được nhuận bút thì khao cả lớp nhé!
Một tháng sau thì tôi có giấy mời nhận nhuận bút. Vui không tả xiết! Bố tôi nghỉ hẳn một ngày công thợ hồ để chở tôi ra bưu điện huyện. Tiền nhuận bút được 80.000 đồng - số tiền rất lớn vào thời điểm năm 2006. Các cô chú ở bưu điện ai cũng khen tôi giỏi. Tôi thấy rõ niềm tự hào lấp lánh trong mắt bố. Trưa hôm ấy, bữa cơm nhà tôi có thịt được mua từ số tiền nhuận bút quý giá đó, tôi còn phụ thêm để mẹ mua gạo cho cả nhà.
Giữ đúng lời hứa, tôi khao cả lớp mỗi bạn một que kem - món quà xa xỉ với những đứa trẻ con xóm nghèo thời đó. Trong lúc tụi bạn vừa ăn vừa cười đùa thì tôi lại đăm chiêu cho ý tưởng mới, một truyện ngắn nữa lại sắp ra đời…
Từ khi có truyện ngắn đầu tiên được đăng báo, tôi có nhiều bạn phương xa gửi thư làm quen. Tôi còn nhớ một bạn tên Chung quê ở Thanh Hóa viết trong thư: truyện “Mười lăm” làm tớ rất xúc động, nhân vật Vy trong truyện có nét hao hao giống tớ và nhiều bạn, đọc xong cứ thấy xao xuyến khó tả…
Cũng từ ấy, tên tôi xuất hiện đều đặn trên báo, không chỉ TNTP mà cả Thiếu nhi dân tộc, Học trò cười, Nhi đồng… Tiền nhuận bút của tôi dùng để mua sách vở, đồ dùng học tập, chia sẻ với các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong lớp.
Đã hai mươi năm trôi qua, tôi của ngày nào đã trở thành cô giáo vùng cao. Nhiều người từng say mê báo Đội vẫn còn nhớ tên tôi, thỉnh thoảng học trò lại bảo: Bây giờ mới được gặp cô, chúng em hay đọc bài cô trên báo. Nghe lòng thấy vui lạ!
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Thiếu niên Tiền phong Chủ nhật, số 48 năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!
Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Thiếu niên Tiền phong Chủ Nhật. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |