Từ những bỡ ngỡ ban đầu
Khi mới nhận được chỉ đạo của Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang về triển khai giáo dục STEAM đến các trường mầm mon, cô Thu Hiền nhận thấy, mô hình giáo dục này thực sự phù hợp với giáo dục mầm non, áp dụng các phương pháp giáo dục tích cực, phát triển phẩm chất năng lực cho trẻ mầm non thông qua trải nghiệm, thực hành thì Mô hình giáo dục này giúp giáo viên gắn các bài học với thực tế, tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương.
“Tuy vậy, cả tôi và các giáo viên đều không có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về STEAM. Điều này đòi hỏi một quá trình học hỏi và đào tạo liên tục. Chúng tôi đã tham gia vào nhiều khóa học và hội thảo, cũng như tìm kiếm tài liệu học tập từ nhiều nguồn khác nhau. Tôi tham gia vào các khóa học trực tuyến, đọc sách và nghiên cứu các tài liệu liên quan để nắm vững kiến thức cũng như hình thức áp dụng”, cô Thu Hiền chia sẻ.
Sau đó, cô Thu Hiền quyết định hỗ trợ cho trên 30 lượt giáo viên trong trường tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu về STEAM. Điều này không chỉ giúp các cô giáo có kiến thức và kỹ năng cần thiết mà còn khơi dậy niềm đam mê và sự sáng tạo trong công việc giảng dạy.
Từ kinh nghiệm đã có được, cô Thu Hiền đã áp dụng các phương pháp giảng dạy mới trong trường Mầm non Hương Sen, cụ thể: Xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học theo hướng mở, tận dụng các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương, chú trọng việc làm đồ dùng tự tạo bằng nguyên vật liệu tái chế. Xây dựng steam lab cho trẻ trải nghiệm với 100% nguyên vật liệu tái chế, xây dựng phòng chức năng để trẻ trải nghiệm nghệ thuật, 9/9 nhóm lớp sắp xếp lớp học theo hướng lấy trẻ làm trung tâm.
Bên cạnh đó là tăng cường các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, áp dụng các phương pháp giáo dục sớm như Montessori, Glenn Doman, Reggio,… tạo cho trẻ mầm non không gian tự chủ khám phá, tìm tòi, đặt câu hỏi và tự đề xuất phương án giải quyết; áp dụng các phương pháp dạy học tích cực như: Học tập theo dự án, Học tập theo nhóm.
Trường Mầm non Hương Sen đã xây dựng kho học liệu số và kho học liệu dùng chung cho giáo viên, phụ huynh của nhà trường. Thư viện số trên website với trên 40 video, đồng thời đồng bộ lên thư viện video trang web của nhà trường trên 200 bài thơ câu chuyện; 30 hoạt động steam và dự án STEAM.
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh: “Tại trường Mầm non Hương Sen, chúng tôi luôn bám sát chương trình giáo dục mầm non theo thông tư 51/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, lựa chọn những mục tiêu cần đạt của từng lứa tuổi để xây dựng nội dung, hoạt động phù hợp, ưu tiên những hoạt động đạt được nhiều mục tiêu và nội dung.
Giáo dục STEAM là một khái niệm dạy học liên nghành kết hợp giữa nghệ với các môn học STEM truyền thống là: Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học. Nó nhấn mạnh việc học tập dựa trên thực hành thay vì theo cách giáo dục truyền thống, kiến thức lý thuyết. |
Lan tỏa giáo dục STEAM đến nhiều giáo viên mầm non
Từ những kinh nghiệm đúc kết khi triển khai STEAM, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hiền nhận thấy rằng, các hoạt động STEAM khuyến khích trẻ tư duy sáng tạo, thử nghiệm và khám phá. Trẻ được tự do thể hiện ý tưởng và tìm ra các giải pháp mới cho các vấn đề; giúp trẻ phát triển kỹ năng quan sát, lắng nghe, trình bày ý tưởng và tự tin trước đám đông. Những kỹ năng này rất quan trọng cho sự phát triển cá nhân và học tập sau này.
STEAM không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản mà còn giúp trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết để thành công trong thế giới hiện đại, nơi công nghệ và khoa học ngày càng đóng vai trò quan trọng.
Từ những ích lợi đó, cô Thu Hiền mong muốn lan tỏa mô hình giáo dục STEAM đến các đồng nghiệp. Cô bắt tay xây dựng “Cộng đồng yêu STEAM mầm non” và tận dụng các kênh mạng để chia sẻ kiến thức. Cô Hiệu trưởng cũng thành lập một các trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Zalo, nơi các giáo viên, phụ huynh và những người quan tâm đến giáo dục STEAM có thể trao đổi và học hỏi lẫn nhau.
“Tại đây, chúng tôi chia sẻ những bài giảng, hoạt động thực tiễn, cùng những kinh nghiệm và thách thức đã gặp phải trong quá trình giảng dạy STEAM. Ngoài ra, tôi còn xây dựng một kênh tiktok và kênh YouTube để tạo ra các nội dung hướng dẫn chi tiết về cách thức áp dụng giáo dục STEAM. Những video và bài viết này không chỉ giúp ích cho các giáo viên mới mà còn giúp các phụ huynh hiểu rõ hơn về phương pháp giáo dục này và có thể hỗ trợ con em mình tại nhà”, cô Thu Hiền cho biết.
Ngoài ra, cô Thu Hiền cũng phối hợp cùng các chuyên gia về STEAM tổ chức các buổi tập huấn dành cho giáo viên, hướng dẫn chi tiết các bước triển khai mô hình. Theo cô Hiệu trưởng, đây là phương pháp tốt nhất để giáo viên mầm non nắm nhanh được kiến thức về STEAM, cô được lắng nghe trực tiếp những khó khăn và giải đáp cho đồng nghiệp.
“Bằng cách tận dụng các kênh mạng và xây dựng cộng đồng yêu STEAM, chúng tôi đã tạo ra một môi trường học hỏi và trao đổi sôi nổi, giúp lan tỏa phương pháp giáo dục sáng tạo này đến nhiều người hơn. Những nỗ lực này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển toàn diện của trẻ em”, cô Thu Hiền bày tỏ.
Nhờ những đóng góp trong giáo dục, vừa qua cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hiền vinh dự là giáo viên duy nhất ở Tuyên Quang trở thành Chuyên gia giáo dục sáng tạo năm 2024-2025 do Microsoft công nhận.
“Thành tích này là niềm tự hào đối với bản thân tôi và giúp tôi có thêm những động lực trên hành trình lan tỏa giáo dục STEAM nhiều hơn nữa trong thời gian”, cô Thu Hiền nói.
Những thành tích nổi bật của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền - Đề tài cấp tỉnh: Hướng dẫn xây dựng chương trình Giáo dục mầm non ứng dụng giáo dục STEAM; - Thành viên Hội đồng tư vấn chuyên môn cấp tỉnh, Hội đồng rà soát, đánh giá và cải tiến mục tiêu, chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo Đại học Tân Trào; Báo cáo viên các lớp tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên cấp mầm non; Giám khảo hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh |