Đến Hội An, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc độc đáo, phong phú với những đền, miếu, quán xá mang đậm dấu tích của người Hoa nằm xen kẽ những ngôi nhà truyền thống của Việt Nam và cả những căn nhà mang phong cách Pháp. Không chỉ thế, nơi đây còn có cả một nền văn hóa phi vật thể đa dạng với nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, lễ hội được bảo tồn và phát triển cho tới ngày nay.
Hiện nay, thành phố Hội An có 1.432 di tích gồm nhiều loại hình: đình, miếu, hội quán, nhà thờ tộc, giếng, cầu, nhà ở, chợ… Các di tích đều lưu giữ được nhiều di vật có giá trị gắn với sự hình thành và phát triển của mảnh đất Hội An. Nổi bật nhất trong số những kiến trúc ở đây chính là Chùa Cầu (còn được gọi là cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều). Đây là chiếc cầu do người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ 17, cầu được xây mái vòm, lợp ngói bên trên, bên dưới có 7 nhịp.
Khu phố cổ Hội An là di tích kiến trúc cư dân đô thị thời Trung đại duy nhất còn lại hầu như nguyên vẹn cả về cảnh quan và không gian kiến trúc. Đây cũng là nơi người dân sinh sống thường ngày ngay trong lòng di sản với những phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống còn được bảo tồn.
Với những lý do đó, phố cổ Hội An đã được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1985, được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999 và được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng công nhận Di tích cấp Quốc gia đặc biệt vào năm 2009.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Nhi Đồng, số 1 năm 2024; phát hành vào ngày 1/1/2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!
Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Nhi Đồng. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |