Lễ hội Halloween và những sự thật chưa hẳn ai cũng biết

Vũ Hồng Loan
Halloween đang ngày càng trở thành dịp lễ hội được giới trẻ Việt Nam mong đợi và hưởng ứng. Tuy nhiên, liệu bạn có biết nguồn gốc thực sự của nó? Tại sao lại mọi người hóa trang và khắc bí ngô?

Lễ hội Halloween thường diễn ra vào ngày 31/10 hàng năm. Trong dịp này, trẻ em thường hóa trang và đến đến từng nhà, gõ cửa để nhận kẹo và chúc tụng... Halloween cũng gắn liền với một số quan niệm khá mê tín và nhiều điều bí ẩn.

Thực ra, Halloween có nguồn gốc từ cách đây hơn 2000 năm, khi người Celtic vẫn còn sinh sống ở vùng đất nay là Ireland, Vương quốc Anh và miền bắc Pháp. Theo kênh History, người Celtic ăn mừng năm mới vào ngày 1/11, thời điểm mùa hè, thời gian dành cho thu hoạch, kết thúc, nhường chỗ cho khí hậu tăm tối, giá lạnh của tiết thu đông, thường được họ gắn liền với sự chết chóc.

Thời xưa, Halloween là ngày lễ mang nhiều tính tâm linh.

Người Celtic cũng quan niệm rằng đêm trước năm mới, tức ngày 31/10, biên giới giữa sự sống và cái chết sẽ bị lu mờ nên những hồn ma có thể quay trở lại dương thế để chọc phá cộng đồng cũng như làm hại mùa màng. Nhưng mặt khác, nhờ nguồn năng lượng tâm linh đã "cường hóa" trong khoảng thời gian này, lời tiên đoán của các thầy phù thủy (được gọi là druid) sẽ chính xác hơn hẳn.

Do vậy, họ tổ chức lễ Samhain vào ngày 31/10. Trong đó, các thầy phù thủy thường đốt những đống lửa lớn, còn người dân thì tụ tập lại để hiến tế lương thực, gia súc cho thần linh. Họ mặc đồ hóa trang làm từ đầu và da động vật, hơn nữa còn "trổ tài" bói toán tiên đoán vận mệnh lẫn nhau.

Một số giai thoại kể rằng, trong ngày lễ Samhain, linh hồn của người chết trong năm trước sẽ tìm đến một thể xác khác để bắt đầu cuộc sống mới trong năm tiếp theo. Nếu người nào không muốn linh hồn người chết nhập vào cơ thể thì đến ngày 31/10 dập tắt lửa trong nhà để làm cho nhà cửa trở nên lạnh lẽo và tẻ ngắt. Kế đến, họ hóa trang thành ma cà rồng và lặng lẽ đi vòng quanh nhà hàng xóm để xua đuổi những linh hồn tìm thể xác để nhập vào.

Cũng trong dịp lễ hội Halloween, người ta tránh đi vào đường có mèo đen vì cho rằng đó là điềm xấu, không may mắn. Quan niệm mê tín này có nguồn gốc từ thời Trung cổ khi nhiều người tin rằng phù thủy thường biến thành mèo đen để tránh bị con người phát hiện. Người xưa cũng kiêng kỵ tránh làm vỡ gương, không bước vào những rãnh nứt trên đường để không gặp xui xẻo.

Tại Scotland, những người độc thân vô cùng quan tâm đến việc bói toán tìm vợ hoặc chồng tương lai của mình trong ngày Halloween. Theo đó, người ta sẽ gọt vỏ một quả táo thành một dải dài, sau đó quăng vỏ qua vai. Khi vỏ táo rơi xuống đất, nó sẽ có hình dạng của chữ cái đầu tiên trong tên vợ hoặc chồng tương lai.

Ngày Halloween, trẻ em sẽ hóa trang rồi đi xin kẹo từ người lớn. Ảnh minh họa: SHUTTERSTOCK.

Những cô gái chưa lập gia đình ngồi trong phòng tối và nhìn vào gương trong đêm Halloween. Gương mặt người chồng tương lai của họ sẽ xuất hiện trong chiếc gương. Tuy nhiên, nếu họ chết trước khi kết hôn thì một hộp sọ rùng rợn sẽ xuất hiện.

Dần dà, Halloween hiện đại chuyển mình từ một ngày kỷ niệm mang nhiều tính tâm linh, phép thuật và ăn mừng mùa màng, tưởng nhớ người chết sang lễ hội cộng đồng, nhắm đến giới trẻ nhiều hơn. Tuy vậy, nhiều nét truyền thống vẫn tồn tại đến ngày nay.

Lấy ví dụ, truyền thống trẻ em đi xin kẹo, nước ngọt, tiền bạc bắt nguồn từ ngày All Souls’ Day. Thời đó, người nghèo thường đi ăn xin quanh khu phố và được các gia đình bố thí "bánh linh hồn". Đổi lại, họ phải cam kết sẽ cầu nguyện cho những thân nhân đã khuất của gia chủ.

Bên cạnh đó, để đánh lạc hướng ma quỷ, người ta còn xếp nhiều loại thức ăn, đồ uống ở 2 bên đường nhằm mê hoặc chúng, do vậy sẽ không cố gắng lẻn vào nhà nữa. Rau củ, đặc biệt là bí ngô, được khắc, cắt tỉa cũng mang ý nghĩa như nơi trú ngụ của thế lực siêu nhiên hoặc đe dọa, đánh đuổi tà ma, dẫn đường cho các linh hồn lạc lối.

Loan Vũ

(Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Lễ hội Halloween và những sự thật chưa hẳn ai cũng biết tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong & Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác

100 cán bộ Đoàn tiêu biểu nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng 2023

Thông tin từ T.Ư Đoàn cho biết, từ 161 hồ sơ đủ điều kiện gửi về từ 67 tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc và Trung tâm Truyền thông Thanh thiếu nhi, Hội đồng xét chọn Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2023 đã thống nhất chọn ra 100 cán bộ Đoàn có thành tích xuất sắc nhất để trao giải, vinh danh.

Tuổi trẻ Khánh Hòa khởi công Công trình thanh niên cấp T.Ư

Ngày 18/3, Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn phối hợp cùng Tỉnh đoàn Khánh Hòa và các đơn vị tài trợ tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình thanh niên cấp trung ương “Sân thể thao cộng đồng” và công trình thanh niên cấp tỉnh “Đường cờ tổ quốc” tại xã miền núi Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh.