Lo ngại dịch bệnh tấn công trẻ trước thềm năm học mới

1 thế giới
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ đầu tháng 8 tới nay số lượng bệnh nhân bị nhiễm sốt xuất huyết, chân tay miệng hay đau mắt đỏ liên tục tăng cao.

Trong 3 tuần của tháng 8, Bệnh viện Mắt trung ương tiếp nhận khoảng 2.500 trường hợp bị đau mắt đỏ, tăng 2 lần so với tháng 6. Tại Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi trung ương cũng tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp, trong đó 10 - 20% trẻ gặp biến chứng nặng.

Không chỉ là các ca về đau mắt đỏ, các ca bệnh sốt xuất huyết cũng liên tục tăng cao, ở các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội như Đống Đa, Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đức Giang, Đại học Y, bệnh nhân sốt xuất huyết vào nhập viện tăng nhanh. Riêng tại Bệnh viện Nhi trung ương, từ tháng 8 đến nay đã có 97 trẻ nhập viện do sốt xuất huyết, trong đó nhiều cháu có dấu hiệu cảnh báo biến chứng nguy hiểm.

Theo nhận định của Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi phát sinh bọ gậy và muỗi, khiến mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao. Bên cạnh đó, số lượng học sinh, sinh viên từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học cũng là nguy cơ làm gia tăng người mắc sốt xuất huyết trong thời gian tới. Ngoài sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng ghi nhận trung bình từ 40 - 50 ca mắc bệnh tay chân miệng/tuần.

ThS-BS Dương Quốc Bảo, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Đống Đa phân tích: "Khi bắt đầu vào năm học mới, theo dự báo, số ca trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ gia tăng nếu trường học, đặc biệt cơ sở giáo dục mầm non, phụ huynh không thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nhằm phòng chống bệnh".

Theo Bộ Y tế, kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm và báo cáo của các địa phương cho thấy tình hình bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, thành phố. Đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội và bệnh tay chân miệng tại miền Nam. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để bùng phát, lan rộng, kéo dài, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế dự phòng đảm bảo đủ nhu cầu về hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị cho công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt là hóa chất phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, và máy phun hóa chất để thực hiện công tác xử lý ổ bệnh trên địa bàn triệt để, hiệu quả.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả công lập và ngoài công lập đảm bảo sẵn sàng thiết bị, thuốc, đặc biệt là dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

Trước thềm khai giảng năm học mới 2023-2024, Sở Y tế Hà Nội cũng khuyến cáo, khi học sinh quay trở lại trường học, các bệnh sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, thủy đậu, tay chân miệng có nguy cơ bùng phát, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn cần sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh từ sớm, từ xa.

Phụ huynh và nhà trường cũng nên chú ý việc vệ sinh ăn uống như thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi). Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Phụ huynh và nhà trường cũng cần chú ý không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng; sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như chậu và khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Lo ngại dịch bệnh tấn công trẻ trước thềm năm học mới tại chuyên mục Thuốc - Bác Sỹ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Thuốc - Bác Sỹ khác

Khuyến cáo dịch bệnh gia tăng dịp cuối năm tại TP. Hồ Chí Minh

'Giai đoạn cuối năm là thời điểm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp có khả năng tăng cao, trong đó bao gồm cả COVID-19. Bên cạnh đó, nhu cầu giao thương, du lịch vào cuối năm tăng cao là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan' - Đây là khuyến cáo vừa được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) đưa ra trong thời điểm Tết Giáp Thìn 2024 đang cận kề.