Nội dung chính
Khi bạn xem phim hay chứng kiến một mảnh đời bất hạnh, bạn cảm thấy thương xót, bạn buồn tới mức phát khóc. Những cảm xúc ấy xuất phát từ lòng trắc ẩn của bạn.
Lòng trắc ẩn là gì?
Có rất nhiều định nghĩa về lòng trắc ẩn và đều có thể xem là cung bậc cảm xúc, sự nhạy cảm, của mỗi con người. Lòng trắc ẩn được hiểu là cảm giác bạn thấu hiểu được cảm xúc của người khác mà không có mục đích nào, đó có thể là sự đồng cảm nỗi đau của người khác hay tình cảnh éo le của bất kỳ ai.
Con người chúng ta dễ bị khơi lên những cảm xúc mang tính đau khổ khi thấy những tình huống mình đã trải qua hay rộng hơn là đặt mình vào vị trí của người khác mà cảm nhận nỗi đau của họ. Tiếp sau lòng trắc ẩn sẽ nảy sinh thêm nhiều loại cảm xúc khác như thương cảm, đồng cảm, vị tha… mà tất cả đều mong muốn nỗi buồn của người khác cần được xoa dịu.
Một người có lòng trắc ẩn sẽ có một trái tim nhân hậu và một tấm lòng nhân ái. Điều này thôi thúc chúng ta có những hành động tích cực tốt đẹp, giúp đời và giúp người.
Điều gì tạo nên lòng trắc ẩn?
Trải nghiệm cuộc sống, liên kết giữa người với người và quan trọng hơn cả là một trái tim đầy nhân ái chính là những yếu tố tạo nên lòng trắc ẩn của con người. Khi đã trải qua vấp ngã, khổ đau, con người dễ bị khơi gợi lại những cảm xúc, kỷ niệm buồn tương tự. Từ đó, họ thấu hiểu nỗi đau của người khác cũng như gợi lại chính nỗi đau mình từng trải qua. Có thể những ký ức đau buồn trỗi dậy khiến bạn khóc vì một câu chuyện cảm động nào đó.
Không chỉ là người thân người quen mà thậm chí bạn có thể nảy sinh lòng trắc ẩn đối với cậu bé mất gia đình vì chiến tranh cách bạn nửa vòng trái đất. Đó chính là liên kết giữa người với ngừoi mà như ông cha từng có câu “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Bởi bạn biết, ai cũng có quyền được hạnh phúc và phải được hạnh phúc như chính bản thân mình.
Và tất nhiên, khi bạn có một trái tim nhân ái thì bạn mới có thể khơi gợi được lòng trắc ẩn trong con người. Bạn biết đặt bản thân vào người khác, cảm nhận sự lo lắng và biết đối mặt với cuộc đời.
Tại sao con người cần lòng trắc ẩn?
Đã bao giờ bạn tự hỏi thế giới sẽ ra sao nếu lòng trắc ẩn không tồn tại? Khi ấy, con người chúng ta trở nên vô cảm, vô cảm với nỗi đau khổ tuyệt vọng của người khác. Chúng ta chỉ sống cho cảm xúc và lợi ích của riêng cá nhân mình. Chắc hẳn cuộc sống khi ấy sẽ chỉ toàn những điều tồi tệ và tiêu cực.
Như Đức Đạt Lai Lạt Ma có câu “Nếu bạn muốn hạnh phúc, hãy động lòng trắc ẩn. Nếu bạn muốn chính mình hạnh phúc, hãy động lòng trắc ẩn”.
Con người không thể sống trên đời mà không có lòng trắc ẩn. Dù bản chất lòng trắc ẩn là một loại cảm xúc cho đi mà không cần nhận lại. Nếu có điều nhận lại cũng chính là sự thanh tịnh trong tâm hồn hay những góc nhìn khác về cuộc sống và con người xung quanh. Vì ở đâu đó, vẫn luôn có những con người còn chịu nhiều đau khổ, có như vậy, chúng ta lại càng trân trọng cuộc sống và những gì mình đang có.
Lòng trắc ẩn giúp cuộc sống của chúng ta và những người xung quanh hạnh phúc hơn, nhân văn hơn, từ đó, cuộc sống con người cũng phát triển và văn minh hơn.
Con người không chỉ cần lòng trắc ẩn giữa người với người mà còn có thể có lòng trắc ẩn đối với động vật hay thiên nhiên đất nước. Chính vì thế mà chúng ta có thể khóc khi vật nuôi mất đi, chúng ta đau xót khi hàng trăm hecta rừng cháy rụi, và vẫn ra sức bảo vệ động vật hoang dã từng ngày.
Lòng trắc ẩn tạo ra sự cân bằng và cội nguồn của sự phát triển của toàn xã hội. Điều này cũng có nghĩa lòng trắc ẩn chính là động lực để con người sống tốt và biết yêu thương hơn mà điều tất yếu là cuộc đời sẽ trở nên tươi đẹp hơn khi con người có đủ sự vị tha và thấu hiểu.
Tuy nhiên, điều gì cũng có 2 mặt tốt xấu. Bạn có thể có lòng trắc ẩn thế nhưng, đừng biến những cảm xúc tiêu cực của người khác lại ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn quá nhiều. Bởi lẽ, lòng trắc ẩn là gì vốn cũng khó để đưa ra khái niệm chính xác. Hy vọng bạn cũng sẽ có đủ lòng trắc ẩn để sống một cuộc đời ý nghĩa và đầy xúc cảm.