Hàng tuần, "bà giáo" Bùi Thị Thảo, 60 tuổi, giáo viên về hưu, thường lui tới lớp học tình thương, nằm trong khuôn viên chùa Lộc Thọ, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, để dạy học.
Dãy lớp học có 5 phòng, mỗi phòng rộng hơn 30 m2, trong đó có hai phòng dành cho các em mẫu giáo với tổng số 170 học sinh. Phần lớn các em bị bỏ rơi, có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện đi học.
Ở đây, các bạn được học kiến thức như ở các trường học bình thường, chi phí do các mạnh thường quân hỗ trợ toàn bộ.
Lớp học được mở vào năm 1992, từ ý tưởng của sư bà Thích Nữ Diệu Ý (viên tịch vào năm 2014). Thời đó, sư bà thấy người dân nghèo khó, lo làm việc cả ngày nên ít để ý đến con cái. Sợ các cháu thiếu hiểu biết, dễ bị người khác dụ dỗ sinh hư hỏng, nên sư bà đến từng nhà người dân xin dạy chữ cho các bạn.
Cô Thảo vào dạy năm 2010, lúc đó lớp học chỉ hơn 40 học sinh, hai môn học chính là Toán và Tiếng Việt. Xung quanh lớp học đơn sơ, hoang vắng, cỏ bụi dày đặc. Việc giảng dạy lúc đó chưa được bài bản, ít giáo viên nên cô Thảo ngày đêm soạn bài, chuẩn hóa từng bước việc dạy học cho các bạn.
"Việc này giúp các em nắm đầy đủ kiến thức để lên cấp trung học cơ sở, tiếp tục theo đuổi việc học", cô Thảo nói, cho biết cô đã vận động chính quyền, ngành giáo dục công nhận lớp học tình thương để các bé có học bạ, thuận lợi cho việc học lên cao. Đến nay, dãy lớp trong khuôn viên chùa trở thành một điểm trường của trường Tiểu học Vĩnh Ngọc, cùng địa bàn.
Nhờ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, lớp học hiện được đầu tư khang trang, nhiều giáo viên tâm huyết. Các bạn được học theo chương trình chuẩn, được thi giữa kỳ, thi cuối kỳ một cách bài bản, đúng quy định.
Ngoài ra, học sinh được học thêm kỹ năng sống, tiếng Anh vào thứ ba và thứ bảy hàng tuần. Những môn học này do các tình nguyện viên thay phiên nhau đứng lớp.
Chú Lại Đăng Khoa, trưởng nhóm tình nguyện viên, cho biết các bài học kỹ năng sống xoay quanh nội dung về đạo đức, hội họa, âm nhạc, kỹ năng khi đi lạc, bị xâm hại tình dục, bị bắt nạt...
Theo chú Khoa, ban đầu, một số giáo viên cảm thấy khó khăn vì có bạn ngang bướng, khó bảo hay nghịch ngợm. Để các bạn chịu nghe lời, chú nhận ra việc dạy không phải là sự kiểm soát trẻ mà phải xuất phát từ sự tôn trọng, bình đẳng.
"Người dạy phải là tấm gương cho các bé và tất cả phải xuất phát từ tình thương, thiện nguyện. Ngoài ra, các giáo viên cảm thấy vui khi được dạy cho các bé thì mới gieo được những hạt mầm kiến thức", chú Khoa nhìn nhận.
Đến nay, nhiều cựu học sinh đã học hết cấp 3, lên đại học. Đối với chú Khoa và các thầy cô, việc các bạn có thể theo đuổi học tập lâu dài là ước mong lớn nhất. Chú Nguyễn Trường Thọ, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, cho biết lớp học tình thương ở chùa Lộc Thọ rất có ý nghĩa với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện đến trường học chính quy.
"Thầy cô tại lớp học đã giúp các em thêm tự tin trên con đường đến với con chữ và vững tin hơn cho cuộc sống sau này", chú Thọ nói.