“Miền thảo nguyên Panduranga" – Khúc đồng dao tuổi thơ rực rỡ nắng gió

My Anh
Giữa những tác phẩm thiếu nhi ra mắt mùa hè này, “Miền thảo nguyên Panduranga” của nhà văn Lê Đức Dương như một khúc đồng dao rực rỡ sắc màu, vừa mang hồn cốt Ninh Thuận đầy nắng gió, vừa thấm đẫm yêu thương và chiều sâu văn hóa nhân bản.

Đây là tác phẩm kết tinh bút pháp nghệ thuật tinh tế cùng phương pháp tự sự mới mẻ, tái hiện thế giới trẻ thơ Chăm – Raglai giữa thảo nguyên bằng một cái nhìn dịu dàng, lãng mạn mà không mất đi tính hiện thực sắc sảo.

Hồn dân tộc và âm hưởng sử thi

Ngay từ nhan đề Miền thảo nguyên Panduranga, người đọc đã cảm nhận được một tầng sâu văn hóa – địa danh Panduranga là tên cổ của vùng đất Ninh Thuận, trung tâm văn hóa của người Chăm xưa. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn chọn dùng danh xưng này thay vì Ninh Thuận hiện đại: đây là cách ông khơi gợi không gian lịch sử – huyền thoại, đặt câu chuyện thiếu nhi vào lòng một nền văn hóa lâu đời để từ đó gợi mở chất sử thi và chiều kích bản địa.

Trong các trang viết, Panduranga hiện lên không chỉ như một không gian địa lý mà là một thế giới thẩm mỹ. Những biểu tượng văn hóa Chăm – Raglai hiện diện qua tháp Chăm cổ, đàn cừu thảo nguyên, điệu kèn saranai, chiếc khăn aban, lễ Rija Nưgar… góp phần tạo dựng một kết cấu văn hóa đặc hữu, gắn liền với đời sống con người. Tác phẩm là một cuộc hòa ca của thiên nhiên – con người – văn hóa, trong đó, trẻ em là trung tâm của sự sống động và diệu kỳ.

Bút pháp trữ tình giàu hình ảnh và giai điệu

Một trong những điểm nổi bật của tác phẩm là bút pháp trữ tình đậm chất thơ. Tác giả viết bằng một ngôn ngữ giàu nhạc điệu, dày đặc hình ảnh, gợi cảm như một bài thơ đồng dao trải dài theo bước chân của hai nhân vật chính – Thẩm và Len – trên đồng cỏ Panduranga.

Nhà văn Lê Đức Dương (bìa trái) trao tặng sách cho thiếu nhi
Nhà văn Lê Đức Dương giao lưu với bạn đọc

Ngay mở đầu chương 1, đoạn tả mưa xuân trên thảo nguyên khiến người đọc như được tắm mình trong hơi thở của đất trời: “Miền Panduranga vào xuân bằng cơn mưa bụi nhẹ nhàng êm ái… Mưa làm các phiến lá đầy bụi đất trở nên láng mướt, óng ánh lấp lánh hồi quang của bầu trời”. Cách dùng hình ảnh chuyển đổi cảm giác (âm thanh, thị giác, xúc giác) hòa quyện với nhau làm nổi bật vẻ đẹp thiên nhiên đồng thời phản ánh cảm xúc nhân vật – một phương pháp thể hiện cảm xúc rất đặc trưng của bút pháp trữ tình.

Ở những đoạn mô tả hoạt cảnh sinh hoạt, như trò chơi nhảy qua lưng bò, đánh bi, thổi kèn giữa đồng cỏ… tác giả vẫn không rời xa chất thơ. Câu văn có tiết tấu, đôi khi ngắt nhịp như lời ca, giàu yếu tố tượng hình và liên tưởng. Tác phẩm giàu chất điện ảnh – không gian mở, đường nét sống động, màu sắc rõ rệt – nhưng lại đồng thời mang âm vang ngôn từ cổ tích.

Tuổi thơ đi qua thảo nguyên, lớn lên cùng thương yêu

Tầng sâu chủ đề của Miền thảo nguyên Panduranga không chỉ là hành trình mục đồng của hai đứa trẻ mà là hành trình trưởng thành trong hoàn cảnh khắc nghiệt, nơi những thử thách, nỗi cô đơn, tình bạn và bản sắc văn hóa cùng song hành. Đây là tiểu thuyết thiếu nhi mang chiều sâu hiện thực, thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn và tư tưởng giáo dục ngầm ẩn.

Thẩm – cô bé Chăm nghèo, mồ côi cha, rời làng đi chăn gia súc thuê – không phải hình mẫu trẻ thơ “ngây thơ thuần túy” kiểu cổ tích. Em hiểu sự gian khổ, đối mặt với những lời từ chối, với cả ánh mắt thương hại của người lớn. Nhưng trong tâm hồn em không tắt đi ánh sáng: em vẫn mơ mộng, vẫn yêu thiên nhiên, vẫn dịu dàng chia sẻ với bạn bè và biết nhường nhịn cả với người như Sầm – gã thanh niên ghen tị, cô độc.

Cùng với Thẩm là Len – cậu bé mục đồng thông minh, thổi kèn Saranai hay và đầy tinh tế. Nhân vật Len được xây dựng không chỉ như một người bạn đồng hành mà còn là hiện thân của cái đẹp – cái đẹp trong văn hóa dân tộc, trong tâm hồn giàu cảm xúc và trong sự trưởng thành nam tính.

Hai nhân vật ấy lớn lên giữa thiên nhiên nhưng không tách rời cộng đồng. Những trò chơi, xung đột, thậm chí mâu thuẫn với Sầm, hay buổi “biểu diễn nghệ thuật” múa lửa, thổi kèn cùng bạn bè… đều thể hiện một xã hội mục đồng có kết cấu riêng – giản dị nhưng không kém phần phong phú.

Và chính từ trong sự phong phú ấy, nhà văn khéo léo lồng ghép những bài học đạo đức nhẹ nhàng: biết sống tử tế, yêu thương người yếu thế, tôn trọng tập thể, bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn văn hóa. Cách truyền tải tư tưởng không hô khẩu hiệu mà thông qua tình huống và hành động cụ thể, khiến tác phẩm vừa gần gũi, vừa thuyết phục.

Cổ tích và hiện thực

Điểm đặc biệt của Miền thảo nguyên Panduranga là sự dung hòa khéo léo giữa tự sự cổ tích và giọng kể hiện thực. Nhân vật khỉ Còm, chó Luốc, mèo Ngao… đều mang dáng dấp “nhân hóa” cổ tích – vừa thông minh vừa biết biểu cảm. Nhưng sự hiện diện của cái đói, cái nghèo, những đứa trẻ đi chăn thuê, gánh nặng của người mẹ... lại nhắc người đọc rằng đây không phải chuyện thần tiên, mà là chuyện thật, của con người thật.

Bằng thủ pháp đan xen giữa tả thực và huyền ảo, Lê Đức Dương không chỉ tạo nên một thế giới trẻ thơ sống động, mà còn khiến người lớn phải nghĩ – về sự khắc  nghiệt đôi khi có phần tàn nhẫn của cuộc sống, và về niềm hy vọng vẫn luôn le lói nơi những tâm hồn trong sáng.

Khúc ca thiếu nhi thấm đẫm văn hóa và nhân ái

Miền thảo nguyên Panduranga là tác phẩm hiếm gặp trong văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay. Tác phẩm không chỉ hấp dẫn bởi bút pháp giàu hình ảnh, giàu âm hưởng mà còn vì nó dũng cảm đi vào đề tài gai góc: trẻ em lao động, nghèo đói, bị từ chối... Nhưng tất cả những điều đó không làm câu chuyện tối đi, trái lại, nhà văn đã chưng cất từ hiện thực khắc nghiệt một thứ ánh sáng đẹp đẽ: ánh sáng của văn hóa dân tộc, của lòng nhân ái và của khát vọng trưởng thành.

Lê Đức Dương không chỉ viết cho thiếu nhi – ông viết cho cả người lớn một bài học: rằng trong mỗi đứa trẻ đều có một thảo nguyên đầy nắng gió, và nếu ta đủ dịu dàng, đủ hiểu, chúng sẽ lớn lên như những cánh diều bình yên, không lạc lối giữa đời.

 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết “Miền thảo nguyên Panduranga" – Khúc đồng dao tuổi thơ rực rỡ nắng gió tại chuyên mục Sáng Tác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Quà sinh nhật mẹ

Chỉ còn chục hôm nữa là đến sinh nhật mẹ rồi, Bi muốn chuẩn bị một món quà thật tuyệt ...

Bài Sáng Tác khác

Người truyền lửa

Lúc nhỏ, tôi chưa từng nghĩ bản thân có thể viết những lời văn vẻ về thầy cô. Ấy vậy mà bây giờ, tôi lại sợ là mình không diễn tả được hết những điều trong lòng mình.

Hoa hậu của mùa Xuân

Từng đám mây nặng trĩu sà thấp mang theo cơn gió lạnh lẽo tràn vào khu vườn rồi thả xuống cơn mưa ẩm ướt.

Tạm biệt Út Rô

Út Rô là tên của chú cá rô nhỏ trong hồ cá nhà tôi. Ai đến nhà tôi cũng ngạc nhiên vì Út Rô sống cùng 3 chú cá Tai Tượng to gấp chục lần cậu. Đó vẫn chưa là điều đặc biệt nhất của Út Rô đâu. Cậu ấy có một “xuất thân” lạ kì mà mỗi lần kể ra ai cũng trầm trồ.