Dự thảo quy định từ năm 2018, các trường sư phạm sẽ có điểm sàn riêng và điều kiện xét tuyển khắt khe hơn so với các ngành học khác. Cụ thể, đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các bài thi, môn thi văn hóa sử dụng để xét tuyển.
Trong năm 2018, các trường sư phạm có thể sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển như dựa vào điểm thi trung học phổ thông quốc gia, sử dụng kết quả thi của trường khác, tổ chức thi riêng từng phần cho một số khoa, ngành, hoặc sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh.
Đối với trình độ đại học, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Đối với trình độ cao đẳng, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên. Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm nâng chất lượng đầu vào của sinh viên sư phạm trong bối cảnh chuẩn đầu vào của ngành đào tạo này quá thấp trong những năm gần đây.
Theo đó, các đối tượng thuộc diện được xét tuyển thẳng vào các trường, được sửa đổi, bổ sung theo hướng: thí sinh năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp THPT hoặc tốt nghiệp trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc, mỹ thuật được Bộ VHTT&DL công nhận thì được xét tuyển thẳng vào học các ngành tương ứng trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp của các trường năng khiếu, nghệ thuật theo quy định của từng trường.
Bộ GD&ĐT cũng điều chỉnh đối tượng thí sinh không dùng quyền xét tuyển thẳng được ưu tiên xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sư phạm. Cụ thể, thí sinh năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp trung học hoặc trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật, đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp chính thức toàn quốc về ca, múa, nhạc, mỹ thuật đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia, không có môn nào có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống, được trường ưu tiên xét tuyển theo quy định của từng trường.
Về chính sách ưu tiên theo khu vực, cũng được Bộ GD&ĐT điều chỉnh. Học sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hiện hành của Thủ tướng Chính phủ nếu học THPT hoặc trung cấp tại địa điểm thuộc huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh có ít nhất một trong các xã thuộc diện khó khăn nói trên.
Khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực được điểu chỉnh theo hướng giảm điểm ưu tiên giữa hai khu vực kế tiếp. Cụ thể, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi trong tổ hợp xét tuyển không nhân hệ số theo thang điểm 10.
Kim Hiền(Tổng hợp)