Có thời điểm, Đại Dực được tách ra làm 2 đơn vị hành chính là xã Đại Dực và xã Đại Thành. Bởi thời điểm đó, các thôn, bản của Đại Dực bị chia cắt bởi rừng đồi có khi từ thôn nọ sang thôn kia phải đi đường vòng khoảng 40 cây số.
Mùa thu ở Đại Dực đẹp như tranh vẽ.
Từ chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp người dân xóa đói giảm nghèo được triệt để, nhiều con đường giao thông được mở ra nối liền các thôn bản. Đáng kể nhất là con đường nối liền Đại Dực với Đại Thành chiều dài hơn 7km được trải nhựa đã đưa vào sử dụng từ cuối năm 2022. Có đường nối liền, 2 xã Đại Dực và Đại Thành cùng sáp nhập vào làm một và cùng gọi tên chung là Đại Dực. Vậy là trung thu đến với các bạn nhỏ xã Đại Dực thật là vui vì giữa các thôn nọ, bản kia giao lưu với nhau, không giống trước đây thật khó.
Vì là xã vùng sâu vùng xa nên Đại Dực nhận được nhiều sự quan tâm hơn của các anh chị đoàn viên thanh niên khắp tỉnh luôn tổ chức trung thu sớm cho trẻ em Đại Dực. Ngay từ chiều ngày 26/9, Ban Chấp hành Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Huyện đoàn Tiên Yên tổ chức chương trình “Trung thu cho em – lồng đèn thắp sáng ước mơ” cho các em mầm non và tiểu học điểm trường Khe Ngàn.
Trong chương trình các bạn được cười sảng khoái với các tiết mục pha trò của anh cuội và được nghe chị Hằng kể chuyện trung thu. Bạn nào cũng có quà là bánh kẹo, đồ chơi chăn ấm vì sắp đến mùa đông rồi, mà mùa đông ở Đại Dực khá lạnh. Có 5 bạn hoàn cảnh khó khăn hơn thì được tặng nguyên cả bộ góc học tập.
Mùa thu ở Đại Dực chúng tớ vui lắm nhé, vào tháng 10 tới đây, tại xã Đại Dực chúng tôi có Lễ hội Mùa vàng vùng cao Đại Dực gắn với Lễ hội Văn hóa - thể thao Sán Chỉ. Tại lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào văn hóa chung của người dân xã Đại Dực như tham gia các môn thể thao đẩy gậy, kéo co, chơi cầu trinh, bắn nỏ và sôi nổi nhất là đá bóng nữ Sán Chỉ. Cũng ngày này, bà con thi làm cỗ và làm nhiều loại bánh như bánh coóc mò (giống bánh gù của người Kinh), bánh dày, bánh chưng dài đặc trưng của người Dao và người Sán Chỉ. Những ngày ấy thật là vui.
Đến Đại Dực vào mùa thu còn có nhiều cảnh đẹp, như khu vực ruộng bậc thang ở thôn Khe Ngàn và thôn Khe Lặc. Vào dịp tháng 10 khi lúa chín vàng, màu vàng của lúa giống như tấm thảm khổng lồ nổi bật với màu xanh trùng điệp của những rừng thông xanh. Người dân Đại Dực trồng hàng nghìn ha rừng thông, tập trung ở hầu hết các thôn. Du khách đến ngắm các đồng lúa vàng, dạo chơi trong đồi thông vi vu gió mát yên bình cuối thu, rồi chụp cho mình những bức ảnh kỷ niệm cho một hành trình.
Lễ hội Mùa Vàng ở Đại Dực vào tháng 10 hàng năm, du khách thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây
Tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng kế hoạch để đưa Đại Dực trở thành khu du lịch trải nghiệm vùng cao. Người dân rất hồ hởi và sẵn sàng tham gia giới thiệu và hướng dẫn khách du lịch hòa nhập và trải nghiệm phong cách văn hóa, cảnh đẹp thiên nhiên mang tính đặc trưng của địa phương. Từ phát triển du lịch, Đại Dực sẽ giới thiệu cho du khách muôn phương phong tục tập quán những nét đẹp về văn hóa các dân tộc huyện Tiên Yên. Bà con còn bán được nhiều sản phẩm địa phương như gà mang thương hiệu Gà Tiên Yên được nuôi thả đồi xã vùng cao, miến dong Đại Dực...
Ở xã còn nhiều hộ phát triển trồng chuối, gừng..là các sản phẩm sạch mang tính địa phương. Mặt khác, từ phát triển du lịch, người dân Đại Dực sẽ bảo tồn tốt hơn các văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Du lịch cũng sẽ giải quyết được nhiều việc làm cho người dân địa phương, thu nhập người dân từ đó cũng được tăng lên.