"Bậc thầy" tiến hóa
Loài rắn xuất hiện trên Trái Đất vào khoảng 128 triệu năm trước và có bước phát triển bùng nổ sau sự tuyệt chủng của khủng long. Đây cũng là khoảng thời gian loài gặm nhấm bắt đầu “làm mưa làm gió” và chiếm ưu thế về số lượng. Để săn được những con mồi yêu thích này, rắn không ngừng tiến hóa theo hướng không ai ngờ đến.
Theo các nhà nghiên cứu, tổ tiên của rắn vốn là loài bò sát có bốn chi. Tuy nhiên, sau 26 lần tiến hóa, chúng tự loại bỏ đi các chi, chỉ còn lại phần thân và đầu. Nhờ không có chân, chúng dễ dàng luồn lách vào các hang sâu, khe hở để săn mồi và chạy trốn khỏi kẻ thù.
Cùng với đó, cơ thể của rắn ngày một thon dài. Xương và cơ của rắn cũng thay đổi tương ứng, giúp chúng di chuyển và săn mồi linh hoạt hơn.
Cách rắn bò cũng thay đổi đáng kể. Những con rắn ban đầu bò bằng cách vặn vẹo cơ thể, việc này khá tốn sức và không mấy hiệu quả. Trong quá trình tiến hóa, loài rắn dần tìm ra phương thức di chuyển mới - bò bằng vảy bụng. Phương thức này dựa vào lực ma sát giữa vảy bụng và mặt đất để đẩy cơ thể về phía trước, vừa nhanh hơn vừa ít tốn sức hơn hẳn.
Thường xuyên "làm mới" chính mình
Trong thế giới động vật, có một số loài cả đời chỉ “mặc” nguyên một bộ “quần áo”, nhưng một số khác lại thường xuyên lột xác (thay da) để “làm mới” chính mình. Rắn là một trong những loài như vậy đấy.
Rắn thay da là để phát triển cơ thể cũng như loại bỏ những loài ký sinh trùng bám trên lớp da cũ. Cụ thể, khi cơ thể của rắn phát triển, lớp da của chúng sẽ bị kéo giãn ra. Tuy nhiên, khác với da người, da rắn có độ co giãn rất hạn chế, khó có thể phù hợp với cơ thể mới. Đến một thời điểm nhất định, chúng buộc phải lột bỏ lớp da cũ đi.
Thời điểm lột da đến, rắn sẽ tự tạo ra một lớp da mới ngay dưới lớp da cũ. Khi quá trình này hoàn tất, chúng bắt đầu quá trình lột da bằng cách cọ người vào đá hoặc thân cây, tạo một vết rách trên da, thường là ở mũi. Sau đó, chúng sẽ từ từ trườn ra khỏi lớp da cũ từ chính vết rách đó.
Việc lột da ở rắn diễn ra nhiều lần. Trung bình, một con rắn lột da từ 2 đến 4 lần mỗi năm. Số lần lột da nhiều hay ít tùy thuộc vào độ tuổi cũng như tốc độ phát triển của cơ thể rắn.
Đôi mắt kỳ diệu
Rắn có đến 2 hệ thống thị giác khác nhau. Ngoài đôi mắt thông thường mà chúng ta vẫn nhìn thấy, rắn còn có một hố nhỏ trên đầu, trong đó chứa hàng nghìn tế bào thụ quan. Nếu bịt mắt của rắn lại, chúng vẫn có thể sử dụng các tế bào này như một chiếc máy dò hồng ngoại cực nhạy để nhận biết nhiệt và “tóm gọn” trong tầm nhìn các vật thể sống.
Vì thế, một khi bạn bị rắn coi là mục tiêu thì không có cách gì thoát khỏi chúng, kể cả việc đóng cửa trốn trong nhà cũng vô dụng. May mắn là phần lớn các loài rắn không coi chúng ta là mục tiêu để tấn công.
Đừng đùa với tiếng rít của rắn
Chó sủa “gâu gâu”, mèo kêu “meo meo” và rắn thì rít lên những tiếng “sss” rất lạ. Để tạo ra âm thanh như vậy, con người phải đặt lưỡi của mình vào răng cửa. Rắn không có răng cửa, vậy làm thế nào chúng có thể tạo ra âm thanh này và đôi khi còn thè lưỡi ra cùng một lúc?
Hóa ra, rắn phát ra tiếng rít đó từ hệ thống hô hấp sâu hơn chúng ta một chút, trong một cấu trúc gọi là thanh môn. Thực chất, đó là một lỗ nhỏ ở đáy miệng, mở ra khi rắn thở. Thanh môn được kết nối với khí quản – bộ phận kết nối với phổi của rắn.
Tiếng rít là kết quả của luồng không khí chuyển động nhanh đi qua thanh môn. Rắn có thể thay đổi âm lượng bằng cách ép xương sườn mạnh hơn và đẩy không khí ra nhiều hơn. Lưỡi không đóng vai trò gì trong chuyện này. Không giống như các loài động vật khác, rắn chỉ tạo ra một âm thanh cho một mục đích duy nhất: Phòng vệ. Tiếng rít có thể khác nhau giữa các loài rắn, nhưng thông điệp đều giống nhau: Hãy tránh xa! Chú ý đến cảnh báo đó sẽ tốt cho bạn cũng như cho con rắn đấy.
Nhịn ăn cực đỉnh
Nếu có cuộc thi nhịn ăn trong vương quốc động vật, ứng cử viên sáng giá nhất cho giải Quán quân có lẽ không ai khác ngoài họ nhà rắn. Người ta từng biết đến một con trăn bỏ bữa, nhịn đói đúng 2 năm 9 tháng mà không hề hấn gì. “Khai thác tối đa, tiết kiệm triệt để” chính là phương châm sống của chúng.
Ăn uống là sở thích cực lớn của rắn. Có những con rắn chỉ một hơi nuốt liền 4-5 con chuột nhỏ hoặc chim sẻ. Cá biệt, loài rắn lao có thể nuốt trôi con chim to gấp 10 lần đầu nó. Thức ăn vào đến bụng rắn, trong vòng 4-5 ngày đã bị tiêu hóa hết, không chừa cả xương. Sau khi hấp thu hết dưỡng chất từ thức ăn, cơ thể rắn bắt đầu tích mỡ và tăng cân rõ rệt. Đây là nguồn năng lượng dồi dào mà rắn sẽ “đốt” dần trong thời tiết giá lạnh của mùa đông, chờ đến khi mùa xuân đến “bung lụa” trở lại.
"Siêu rắn" khổng lồ
Từ bộ xương hóa thạch được tìm thấy ở Colombia, các nhà khoa học gần đây đã phục dựng thành công một con rắn “siêu to khổng lồ”. Chiêm ngưỡng con rắn mô hình này, hầu như ai cũng phải “mắt tròn mắt dẹt” vì quá kinh ngạc. Nó dài tới 15m, nặng 1,2 tấn. Loài rắn này từng rất đông đúc và là bá chủ của những cánh rừng nhiệt đới cách đây 60 triệu năm.
“Siêu rắn” khổng lồ nói trên là “sát thủ” của nhiều loài động vật đương thời. Với trọng lượng lớn như vậy, con mồi của nó không chỉ đơn giản là hươu, nai, trâu, bò, mà thậm chí là cả voi, tê giác, cá sấu... Không ít loài khủng long cũng trở thành “món tráng miệng” cho “siêu rắn” này đấy.