Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, điểm chuẩn xét tuyển ĐH năm 2021 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT các ngành nông-lâm, cơ khí kỹ thuật, các ngành khoa học cơ bản chỉ ở mức trung bình. Thậm chí các ngành thiết kế tàu và công trình ngoài khơi, Đóng tàu và công trình ngoài khơi, Xây dựng công trình thủy, Công trình giao thông và cơ sở hạ tầng, Kiến trúc và nội thất, Kỹ thuật công nghệ hóa học của Trường ĐH Hàng hải chỉ 14 điểm/tổ hợp. Thấp hơn năm ngoái 1 điểm.

Năm 2020, điểm chuẩn của trường ĐH Hàng hải cũng được xếp vào nhóm thấp, có đến 14/46 ngành lấy điểm chuẩn từ 14-15 điểm/tổ hợp, chỉ cần được khoảng 5 điểm mỗi môn thí sinh đã có thể trúng tuyển. Tại trường ĐH Mỏ địa chất một số ngành như Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Địa kỹ thuật xây dựng… điểm chuẩn cũng chỉ từ 15-16 điểm/tổ hợp.
Năm nay, nhóm ngành có điểm chuẩn thấp nhất là của Trường ĐH Xây dựng (16 điểm) gồm có Kỹ thuật cấp thoát nước, Kỹ thuật vật liệu, Quản lý xây dựng, Kỹ thuật cơ khí... và các ngành của Trường ĐH Lâm nghiệp đều ở mức 15 điểm/tổ hợp.

Lý giải về nguyên nhân điểm chuẩn thấp, GS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp, cho rằng, nhiều ngành đào tạo tên không “nóng” nhưng cho thu nhập cao không được thí sinh biết đến do các em chưa được hướng nghiệp đầy đủ, mông lung về định hướng nghề nghiệp.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD&ĐT, cho biết thêm: “Trước đây, kỹ sư cơ khí học rất nặng về các môn học kỹ thuật, nhưng ngày nay đòi hỏi thiết kế chương trình tích hợp và dạy một số môn học khác như quản lý dự án, kinh doanh, kinh tế kỹ thuật... và những kỹ năng công nghệ thì mới mong thị trường tiếp nhận để tuyển dụng”. Theo ông Vinh, khá nhiều giảng viên còn hạn chế kinh nghiệm thực tế nghề nghiệp của ngành, không thiết kế được các bài tập tình huống, nên sinh viên thường tiếp cận thực tế nghề nghiệp chậm.

Trước vấn đề mất cân bằng trong đào tạo nguồn nhân lực, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải có dự báo nhu cầu việc làm, nhân lực ở tầm vĩ mô. Tuy nhiên, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cho biết đây là việc khó thực hiện, chỉ có thể dự báo khá chính xác trong ngắn hạn, còn trong trung hạn và dài hạn rất khó khăn.
Vụ trưởng cũng cho biết để giải quyết vấn đề này, chỉ có thể thay đổi và cập nhật chương trình đào tạo ở ĐH. Cần trau dồi tư duy giải quyết vấn đề cho sinh viên để sau khi ra trường các em có thể tiếp cận với công việc nhanh hơn.

Đối với Trường ĐH Lâm nghiệp nói riêng, Hiệu trưởng cho biết, nhà trường sẽ tập trung mọi nguồn lực xúc tiến tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn, miền núi. Để đạt được mục tiêu này, nhiều giải pháp đã được Bộ NN&PTNT cũng như nhà trường đề ra, bao gồm triển khai giải pháp đào tạo theo cơ chế đặt hàng (dự kiến được áp dụng từ năm 2022).
Theo Tiền Phong