Mới đây, một đoạn clip có nội dung về ý nghĩa của cái tên Đà Lạt đã được đăng tải trên TikTok. Người đàn ông trong đoạn clip đã chia sẻ rằng: "Cái tên Đà Lạt, khi người Pháp đặt tên D-A-L-A-T là từ một câu thơ của André Morval. Đó là 'DAT ALLIIS LAETITIUM ALLIIS TEMPERRIEM'. Câu đó có nghĩa là nơi đây cho người này niềm vui, người kia sự tươi mát".
Đoạn video ngay sau khi đăng tải đã thu hút sự quan tâm lớn từ phía cư dân mạng. Bên dưới phần bình luận có rất nhiều ý kiến được đưa ra. Theo ý kiến của một số người, nguồn gốc của cái tên Đà Lạt không phải bắt nguồn từ câu thơ trên.
"Đà Lạt tên thật là Đạ Lạch. Nó có ý nghĩa là nước suối của người Lạch", "Cách mà chú ấy giải thích là cách người Pháp gọi khi bác sĩ Yersin tìm ra cao nguyên thôi, chứ không phải xuất phát từ câu thơ gì hết", "Cái này kiểu thi vị hóa, lãng mạn hóa chứ thông tin chính thống vẫn là từ tiếng dân tộc. Và nhiều địa danh ở Đà Lạt cũng xuất phát từ tiếng dân tộc",... là chia sẻ của một số người.
Bên cạnh đó, cũng có không ít người khác cho rằng: "Đúng là Đạ Lạch. Nhưng ý chú nói về việc tại sao không viết nó theo ký tự latinh là Đạ Lạc hay Đạ Lạch đó", "Một địa danh thi thoảng cũng có nhiều nguồn tên gọi khác nhau. Đây là được truyền miệng chứ không có quy chuẩn nào. Ngoài thông tin chính thống vẫn có rất nhiều dị bản".
Theo như nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học, Đà Lạt có từ nguồn gốc là Đạ Lạch, từ này phát âm theo tiếng của người Lạch. Họ là 1 trong 3 chi phái thuộc hệ K'ho. Các vùng phía Bắc của tỉnh Lâm Đồng chính là nơi sinh sống của các chi phái này.
Người Lạch thì sinh sống từ chân núi Langbiang tới TP. Đà Lạt, và chủ yếu ở xung quanh vùng Hồ Xuân Hương - nơi có các con suối nhỏ chảy qua. Theo ngôn ngữ K'ho, từ Đa, Đạ hay từ Đăk có nghĩa là nước, là sông, là suối, còn từ Lạch (Lạt) là tên bộ tộc của dân tộc K'ho.
Trong suốt hơn 100 năm qua, cái tên Đà Lạt được hiểu theo nhiều cách và ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, giờ đây ý nghĩa ban đầu của cái tên này đã được trả lại. Đó chính là con suối của người Lạch, là quê hương của họ và họ là một thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam của chúng ta.