Bạn có thể nghĩ rằng mình đã biết cách bảo quản và giữ cho pin smartphone của mình lúc nào cũng "trâu", nhưng sự thực có thể không phải như vậy đâu.
Nhiều người vẫn có thói quen sạc pin điện thoại như hồi trước, tức những thế hệ điện thoại cũ. Nhưng nay đã là năm 2018 rồi, và smartphone cũng đã được áp dụng công nghệ pin kiểu mới được khá lâu, nên đừng quá áp đặt tư tưởng cũ như vậy.
Tất cả những gì bạn biết về việc "sạc đầy 100%", "sạc qua đêm cho chắc", rồi "bắt buộc phải sạc đầy mới được rút sạc" đã là quá khứ. Thực tế là chúng còn có thể làm giảm tuổi thọ pin về lâu dài của bạn.
Vậy cần phải làm những gì mới đúng để không bị coi là người lạc hậu về công nghệ? Hãy theo dõi những chỉ dẫn sau đây:
1. Cứ sạc tùy ý bất cứ lúc nào thích
Nghe thì có thể vô lý, nhưng cứ khi nào rảnh, bạn hãy thoải mái sạc smartphone của mình mà không cần phải chờ nó tụt xuống thấp như trước đâu. Kể cả khi chỉ dư ra có vài phút thì cũng không sao cả, pin của bạn sẽ khong bị tổn hại gì hết.
2. Đừng bao giờ dùng kiệt pin rồi mới sạc
Điều này được nhiều người tưởng là đúng, nhưng chỉ đúng một phần vào thời điểm khoảng 10 năm về trước. Còn nay thì làm như thế sẽ khiến pin smartphone của bạn sớm tụt dốc mà an dưỡng tuổi già, phải đi thay mới ngay đó. Tuổi thọ pin giảm đáng kể, và hiện tượng pin chai sẽ là hậu quả tất yếu dành cho thói quen tai hại này.
3. Hãy cố gắng giữ pin ở mức 65-75%
Công nghệ pin lithium-ion phổ biến trên mọi máy hiện nay đã được nghiên cứu và công nhận điều trên, đó là có hiệu năng duy trì cũng như bảo tồn tuổi thọ tốt nhất ở giới hạn 65-75%.
Sẽ hơi mất công để bạn liên tục để ý rồi sạc để giữ chính xác trong mức này, nhưng cứ coi như đó là một tiêu chuẩn để biết và dè chừng về sau nhé. Thật ra thì 45-75% vẫn là mức lý tưởng, chỉ là không ở độ tối ưu về mặt lý thuyết như phương án trước thôi.
Còn nếu vẫn không có đủ thời gian để làm vậy, thì nhớ rằng 20% là mức nguy hiểm rồi, không nên để pin tụt xuống dưới mức đó liên tục trong thời gian dài.
4. Không sạc quá thừa, không sạc ở nguồn điện yếu
Dù mức pin hiện tại thấp hay cao, thì việc sạc smartphone đầy lên 100% hoàn toàn tưởng là tốt những lại không hề đâu. Pin lithium-ion không được thiết kế ra để làm điều đó, vì nó không thực sự cần phải luôn đầy ắp như vậy. Nếu cứ như thế trong thời gian lâu dài, điện tích trong pin lúc nào cũng cao còn có thể khiến nó như thể "quá sức" và dần dẫn đến tác động không tốt.
Và nguồn điện truyền tải yếu sẽ khiến pin không được sạc ở điều kiện lý tưởng, càng kéo dài thời gian sạc, gây nên những ảnh hưởng không như ý và gần như chắc chắn là tiêu cực rồi.
5. Không sạc smartphone qua đêm
Biết là hiện nay, công nghệ đã cho phép điện nạp vào smartphone được ngắt khi pin đầy ắp, hoặc ít nhất là giảm thiểu tác động gây chai pin như trước. Dù vẫn còn đang có nhiều tranh cãi liên quan đến vấn đề này, nhưng ít nhất, có một điều đã được chứng minh: Sạc liên tục qua đêm sẽ gây tăng nhiệt độ pin do tiếp xúc với điện tích quá lâu.
Và đương nhiên, nhiệt độ đã, đang và vẫn sẽ luôn là một yếu tố có tác động rất lớn đến sức khỏe pin của smartphone. Cho nên "tránh voi chẳng xấu mặt nào", đừng dại dột mà lạm dụng nó để rồi một ngày lĩnh hậu quả nhé.
6. Không vừa sử dụng vừa sạc pin
Đúng vậy, chúng ta không nên vừa sạc pin vừa sử dụng điện thoại. Bên cạnh đó, cần bảo đảm phải sạc bằng cục sạc, cáp chính hãng theo hộp máy, để tránh nguy cơ cháy nổ đáng tiếc xảy ra.
7. Làm sao để sạc pin được nhanh?
Muốn sạc nhanh thì nên tắt nguồn máy, vì khi tắt nguồn máy, máy sẽ không bị tình trạng vừa sạc vừa xả nên thời gian sạc sẽ nhanh hơn nhiều.
Khi rơi vào trường hợp máy còn dưới 10% pin, nhưng không thể sạc vào lúc đó, thì nên tắt máy, đến khi sạc sẽ bảo vệ pin tốt hơn.
8. Thi thoàng tắt máy sẽ làm hại pin?
Câu trả lời là không. Một số nhà sản xuất còn khuyến khích, khi máy không cần sử dụng, như khi ngủ nên tắt nguồn máy, ngoài ra nên tắt nguồn máy 1 tuần 1 lần.
Khi không sử dụng máy trong 1 thời gian dài phải tháo pin ra khỏi máy, khoảng 1 tháng nên lấy ra sạc pin 1 lần, nếu pin lâu ngày không sử dụng có thể sạc không vào pin, phải kích pin, hoặc cục pin có thể bị hư hại.
Ngọc Hiệp (Tổng hợp)