Theo Tri thức trực tuyến, ho là biểu hiện bình thường của cơ thể nhằm tống đờm, nước mũi, vi trùng, virus, chất nhầy nhớt ra khỏi phế quản, giúp bảo vệ họng và phổi. Tuy nhiên, không phải cơn ho nào cũng an toàn, đôi khi ho kèm theo nhiều dấu hiệu khác là sự cảnh báo về một bệnh nguy hiểm nào đó mà bé mắc phải như viêm mũi họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiêu phế quản hoặc viêm phổi.
Các cha mẹ cần tìm hiểu kỹ và nhận biết những dấu hiệu này để kịp thời đối phó với những tình huống nguy hiểm. Thông thường, trẻ sẽ có hai biểu hiện ho là ho khan và ho có đờm. Nếu trẻ bị một trong hai kiểu ho này vào thời tiết lạnh, kèm theo sổ mũi, không sốt, và ăn ngủ tốt, chơi đùa tốt và không nôn trớ, đây là biểu hiện ho bình thường.
Cha mẹ có thể chăm sóc bé tại nhà, thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể trẻ. Cho trẻ uống nhiều nước lọc và các loại nước trái cây. Thông thường, trẻ sẻ tự hết ho trong khoảng một tuần. Tuy nhiên, nếu ho kèm theo các dấu hiệu dưới đây, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện:
- Ho dai dẳng lâu ngày không khỏi.
- Ho nhiều kèm theo co thắt, cơ thể tím tái. Đây có thể là biểu hiện trẻ bị mắc dị vật trong đường thở. Trường hợp này cần sơ cứu ngay lập tức trước khi đưa trẻ đến bệnh viện.
- Ho kèm theo sốt, nôn trớ, là dấu hiệu của viêm phổi. Trường hợp trẻ ho nhiều về đêm kèm nôn trớ nhưng không sốt là dấu hiệu của trào ngược dạ dày.
- Ho nhiều kèm đờm, trong lồng ngực nghe được tiếng rên rít, là biểu hiện của viêm phế quản hoặc hen suyễn.
Tất cả trường hợp ho kèm dấu hiệu bất thường đều cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để xác định tình trạng bệnh và điều trị kịp thời. Tình trạng ho lâu ngày không có sự can thiệp y tế có thể bị biến chứng sang các bệnh nguy hiểm hơn.
Những mẹo hay phòng ngừa ho ở trẻ
Rửa tay thường xuyên
Đây là biện pháp đơn giản để phòng tránh sự lây lan của các loại vi khuẩn và virus gây bệnh truyền nhiễm và triệu chứng ho. Các mầm bệnh dễ dàng xâm nhập vào cơ thể khi bé cầm nắm đồ vật và đưa tay lên miệng, mắt, mũi. Theo VnExpress đưa tin, để phòng ngừa ho, trẻ cần rửa tay thường xuyên với nước và xà bông trong ít nhất 20 giây, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, thay tã để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể hướng dẫn bé vệ sinh đúng cách bằng nước rửa tay chứa cồn khi đi pinic, dã ngoại.
Chủng ngừa vắc-xin cúm
Chủng ngừa là biện pháp hiệu quả để phòng tránh cúm, với hiệu quả ngừa 2 type cúm A và một type cúm B tới 96-97%. Trẻ trên 6 tháng tuổi có thể chủng ngừa hàng năm tại các trung tâm y tế dự phòng hoặc bệnh viện. Vắc-xin cúm thường đạt hiệu quả tối đa sau 2 tuần và mất dần tác dụng sau khoảng 6 tháng.
Không chỉ trẻ em, người lớn cũng nên chích ngừa cúm để bảo vệ sức khỏe và tránh lây nhiễm ngược cho trẻ.
Nghỉ ngơi khi bị bệnh
Nếu bé bị ho, phụ huynh nên cho bé ở nhà để tránh lây nhiễm cho bạn bè nơi trường lớp. Đây cũng là cách tốt giúp bé nghỉ ngơi, bồi dưỡng và phục hồi sức khỏe. Thời gian nghỉ ở nhà thường kéo dài 2-3 ngày. Cha mẹ nên chú ý chơi đùa để tạo tinh thần thoải mái cho bé.
Che mũi và miệng
Che mũi và miệng khi ho, đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người... là cách tốt để bé tránh lây ho cho người khác. Mẹ nên dạy bé cách hắt hơi và ho vào khăn giấy, sau đó bỏ gọn gàng vào thùng rác. Trong nhiều trường hợp, mẹ cũng có thể cài sẵn khăn tay vào túi áo bé, hướng dẫn bé cách ho bằng khăn thay vì dùng bàn tay che miệng. Khăn cần thay mới 4 tiếng một lần để tránh hình thành ổ nhiễm khuẩn nguy hiểm.
Tránh dùng tay che miệng khi ho, khiến mầm bệnh lây lan cho người khác khi tiếp xúc qua tay. Trong trường hợp không có khăn hoặc giấy để che chắn khi ho, bé nên ho vào khuỷu tay để hạn chế lây bệnh cho mọi người.
Minh Phương (tổng hợp)