Phá vỡ mọi quy tắc phát hành
“Đào, phở và piano” lấy bối cảnh ngày cuối cùng quân và dân Thủ đô Hà Nội chiến đấu với thực dân Pháp trước khi rút lên căn cứ kháng chiến Việt Bắc vào ngày 17/2/1947. Phim chính thức được khởi quay vào tháng 12/2022. Trong quá trình sản xuất, phim không nhận được nhiều sự chú ý của giới truyền thông, chỉ một vài tờ báo đưa tin về quá trình dựng bối cảnh cho phim.
Ngay cả quá trình ra rạp của phim cũng... rất "lạ", đi ngược lại với chiến lược phát hành của hầu hết các bộ phim. Theo mô-típ thông thường, trước khi ra rạp, nhà sản xuất và phát hành tung hình ảnh, poster, teaser, trailer (các đoạn giới thiệu về nội dung phim) trước cả năm trời để thu hút sự chú ý của công chúng. Ngoài ra, trước khi chiếu chính thức, các đơn vị phát hành sẽ chiếu những suất đặc biệt để mời truyền thông và các nhà phê bình phim. Tất cả những điều trên đều không có ở “Đào, phở và piano”, phim lặng lẽ xuất hiện ở Trung tâm chiếu phim Quốc gia vào dịp Tết Nguyên đán.
Đáng ngạc nhiên hơn, khi phim đã ra rạp được 10 ngày, nhà sản xuất mới vội vàng tung trailer vỏn vẹn 1 phút. Sau 12 ngày ra rạp, hai diễn viên chính của phim là Doãn Quốc Đam và Thùy Linh mới đến rạp giao lưu cùng khán giả. Nguyên do cũng vì phim “hot” quá khiến đoàn phim phải vội vàng thay đổi để phục vụ người xem.
Tuy nhiên cũng không thể trách đoàn phim, bởi đây là bộ phim điện ảnh do nhà nước đặt hàng với ngân sách 20 tỷ đồng, số tiền này đã được dồn hết cho việc sản xuất. Một trang tài liệu được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, cho thấy ngân sách quảng bá là nửa tỷ đồng nhưng dành cho... 8 phim, bao gồm “Đào, phở và piano”.
Lan tỏa nhờ mạng xã hội và khán giả
Phim được chiếu từ ngày 10/2 (mùng 1 Tết Giáp Thìn), sau 1 tuần công chiếu phim không nhận được phản ứng tích cực từ phía khán giả. Đến ngày 17/2, phim nhận được đánh giá tốt về chất lượng nghệ thuật từ một số khán giả, trong đó có 1 video lên xu hướng trên mạng xã hội TikTok.
Bắt đầu từ đây, phim bắt đầu gây tò mò, nhiều khán giả bắt đầu đến rạp xem phim và hầu hết đều đánh giá tốt cho “Đào, phở và Piano”. Đỉnh điểm đến ngày 18/2, website đặt vé trực tuyến của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia bị sập do lượng truy cập quá đông, buộc cụm rạp phải bán vé trực tiếp.
Thậm chí, khi có 2 đơn vị phát hành là Cinestar và Beta Cinema đề nghị được chiếu phim phi lợi nhuận, dù chưa có quyết định chính thức, khán giả đã nhanh chóng truy cập vào website của hai nhà phát hành để đặt vé. Kết quả dễ đoán, website cũng bị ngừng truy cập trong thời gian ngắn.
Đến ngày 22/2, phim được chiếu ở 11 tỉnh, thành phố nhưng trong những ngày đầu tiên vẫn không thể đáp ứng được lượng lớn khán giả muốn xem phim. Bên cạnh đó, những video, bài viết, ảnh chụp xoay quanh “Đào, phở và piano” xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội, tiếp tục làm tăng sức hút của phim.
Phim lịch sử vẫn được khán giả quan tâm
Trước hiện tượng “Đào, phở và piano”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, những bộ phim Việt Nam hàm chứa những giá trị văn hóa của Việt Nam, được phát hành rộng rãi, được khán giả đón nhận nhiệt tình càng thể hiện điện ảnh Việt đã đi đúng hướng trong việc tiếp cận được khán giả và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa Việt Nam, góp phần tích cực vào phát triển Chiến lược công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Vậy nhưng, “Đào, phở và piano” có lẽ là trường hợp cá biệt khi nhận được sự yêu mến của công chúng. Ra mắt vào cùng thời điểm, nhưng bộ phim “Hồng Hà nữ sĩ” ít được quan tâm. Cũng giống như nhiều phim trước đó như “Ký ức Điện Biên, “Sống cùng lịch sử”, “Mùi cỏ cháy”, “Hà Nội 12 ngày đêm”,... sẽ dần bị quên lãng, hay vẫn được nói vui là “cất kho”.
Điều đó cho thấy các sản phẩm điện ảnh nhà nước đặt hàng cần có sự thay đổi về cơ chế và tư duy làm phim, bắt kịp với quy trình chuyên nghiệp từ sản xuất cho đến quảng bá, ra rạp. Mặt khác, cần có những chính sách khuyến khích các nhà làm phim tư nhân quan tâm hơn đến đề tài lịch sử. Đến khi đó, những trường hợp như “Đào, phở và piano” sẽ không còn là cá biệt.