Những điều lý thú về loài kiến

Chu Hải
TNTP - Tuy là một loài côn trùng nhỏ bé nhưng kiến là nhà vô địch về sức khỏe. Bởi một con kiến hoàn toàn nâng được vật có khối lượng lớn gấp 20 lần trọng lượng cơ thể của nó.

Trong quá trình tìm hiểu về loài kiến, TNTP không khỏi ngạc nhiên khi nhận thấy, tuy là động vật bậc thấp (côn trùng) song loài kiến có khá nhiều điểm giống với xã hội con người, chẳng hạn như sự phong phú về “màu da”, sự phân chia công việc trong đàn hay sự phân bố “dân cư” gần như khắp Trái đất...

Vòng đời của kiến

Loài kiến trải qua bốn giai đoạn sinh trưởng: Từ trứng biến đổi thành ấu trùng, sau đó là nhộng rồi đến kiến trưởng thành. Vòng đời của kiến thường kéo dài từ vài tuần tới vài tháng, phụ thuộc vào từng loài và điều kiện môi trường sống.

Kiến “măm măm” được hầu hết các loại thức ăn nhưng món “khoái khẩu” nhất của chúng là đồ ngọt và mật.

Tổ chức xã hội của loài kiến

Xã hội loài kiến có ba địa vị: Kiến chúa, kiến đực và kiến thợ. Kiến chúa là con duy nhất trong tổ có khả năng đẻ trứng. Khi kiến chúa đến tuổi trưởng thành, nó sẽ dành suốt phần đời còn lại để đẻ trứng. Một số kiến chúa có thể sống rất nhiều năm và sinh ra hàng triệu kiến con. Kiến thợ (những con kiến cái nhưng không thể sinh sản được) có số lượng đông đảo nhất, phụ trách việc chăm sóc con cái của kiến chúa, tìm kiếm thức ăn và bảo vệ tổ. Còn kiến đực chỉ có nhiệm vụ giao phối với kiến chúa.

Trong đàn kiến còn có nhóm kiến quân đội để bảo vệ kiến chúa, bảo vệ tổ, trứng; cũng như thu lượm thực phẩm, và tấn công các tổ khác để tìm kiếm thức ăn và chiếm lấy không gian làm tổ. Khi một đàn kiến đánh bại một đàn kiến khác, chúng sẽ lấy trứng của đàn kiến đó. Lúc trứng nở, những con kiến mới ấy sẽ trở thành “nô lệ” trong tổ.

Có hơn 12.000 loại kiến trên thế giới. Chúng phân bố ở khắp các lục địa, trừ Nam cực. Loài kiến sống thành các nhóm nhỏ hoặc lớn. Một đàn kiến có thể gồm hàng triệu con.

* Kiến không có tai. Chúng “nghe” sự rung động trong lòng đất thông qua những chiếc chân.

* Khi đánh nhau, loài kiến thường chết đi.

* Trên đường đi tìm kiếm thức ăn, kiến để lại một chất pheromone (phoóc-môn) riêng để đánh dấu những nơi đã qua.

* Kiến không có phổi. Ôxy đi qua các lỗ nhỏ trên toàn cơ thể của chúng.

* Khi kiến chúa chết, tổ kiến chỉ tồn tại được vài tháng bởi không còn ai đảm nhận việc sinh sản những lớp kiến thợ, kiến đực tiếp theo.

Kiến rất thông minh. Khi phải vượt qua khoảng trống để đến cành cây khác, chúng kết hợp với nhau để tạo thành “cây cầu” cơ động, giúp đàn của mình có thể băng qua được chướng ngại vật.

Loài kiến tuy bé nhỏ nhưng vô cùng dũng mãnh, sẵn sàng hy sinh vì kiến chúa và tổ của mình.

Đặc biệt, trong xã hội loài kiến, thế hệ trước luôn truyền dạy cho thế hệ sau những kỹ năng sinh tồn cần thiết. Chẳng hạn như kiến trưởng thành sẽ hướng dẫn kiến con cách tìm kiếm thức ăn, chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ tổ…

KIM TUYẾN
(Giới thiệu)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Những điều lý thú về loài kiến tại chuyên mục Vui - Độc - Lạ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Vui - Độc - Lạ khác

Không cần ăn, vẫn sống nhăn

Nghe có vẻ vô lý nhưng trên Trái Đất tồn tại một loài sinh vật không cần ăn uống suốt 4 năm mà vẫn sống khỏe mạnh. Đó chính là cá phổi Tây Phi, loài cá sống ở vùng nước ngọt và thở bằng phổi.

"Siêu kỷ lục" trong thế giới động vật

Một số loài động vật tưởng chừng rất đỗi bình thường nhưng lại đang nắm giữ những kỷ lục khó tin trong tự nhiên. Cùng tìm hiểu xem chúng là những con vật nào nhé!

Những sinh vật kì dị bậc nhất hành tinh

Mẹ Thiên nhiên có lẽ vẫn còn ẩn giấu rất nhiều điều bí mật. Chẳng thế mà không ít người sẽ “ngã ngửa” khi nhìn thấy những loài sinh vật kỳ dị, tưởng chừng như chúng đến từ hành tinh khác.