Đổi mới chương trình - sách giáo khoa
Bộ GD&ĐT thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể làm căn cứ xây dựng dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Đây là bước khởi đầu quan trọng cho quá trình triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo yêu cầu Nghị quyết 88 của Quốc hội.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên CT-SGK, khẳng định, sẽ thực hiện được đúng lộ trình, bắt đầu từ năm học 2018 - 2019.Theo đó, thời lượng học trong chương trình GDPT này giảm mạnh.
Theo đó, Quốc hội chính thức đồng ý điều chỉnh lộ trình triển khai áp dụng chương trình, SGK GDPT mới. Không chốt “cứng” thời hạn lùi 1 năm hay 2 năm như đề xuất, Quốc hội đưa ra hạn chót cho việc áp dụng chương trình, SGK mới là năm 2020.
Chương trình mới là hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh. Mới nhất là ở cấp THPT. Cụ thể, lớp 10 là lớp dự hướng giúp học sinh có được sự chuẩn bị để chọn nghề ở lớp 11, 12. Lớp 11, 12 là định hướng nghề nghiệp. Ngoài một số môn bắt buộc như giáo dục quốc phòng, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm sáng tạo thì mỗi học sinh được chọn 5 môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình. Các môn bắt buộc chủ yếu học thực hành nên rất nhẹ nhàng. Ví dụ như giáo dục thể chất sẽ hình thành các câu lạc bộ và học sinh được tự chọn môn thể thao để học.
Từ 2018, bỏ "cấm thi" vào lớp 6
Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014. Theo đó, một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng của dự thảo là nội dung liên quan đến tuyển sinh vào lớp 6.
Các trường có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu, có thể kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực. Đó là nội dung thay đổi quan trọng được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến rộng rãi về tuyển sinh đầu cấp. Theo các chuyên gia, quy định này sẽ “cởi trói” cho các trường “nóng” về tuyển sinh lớp 6 từ năm tới, tránh hiện tượng chạy chọt tiêu cực như mấy năm vừa qua.
Điểm mới quan trọng trong dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này ghi rõ: “Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.
Kiểm tra đánh giá năng lực
Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Thông tư 11 năm 2014 quy định phương thức tuyển sinh vào THCS là xét tuyển. Tuy nhiên, có một số trường có số hồ sơ đăng ký vào học nhiều hơn so với chỉ tiêu nên gặp khó khăn trong tuyển sinh.
Theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đánh giá năng lực học sinh khác với đánh giá kiến thức. Bởi, kiến thức là nguyên liệu để hình thành nên năng lực. Đánh giá năng lực học sinh là đánh giá khả năng sử dụng kiến thức mà học sinh có được trong quá trình học tập để giải quyết những vấn đề cụ thể.
Hiện nay, chúng ta đang có định hướng sẽ phát triển 10 năng lực cho học sinh bao gồm: Tự chủ - tự học, giao tiếp – hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo; toán học; ngôn ngữ; tìm hiểu tự nhiên và xã hội; công nghệ; tin học; nghệ thuật; thể chất. Tùy vào mục tiêu yêu cầu của nhà trường mà có thể lựa chọn để đánh giá năng lực nào đó của học sinh.
Nóng bỏng trường học lạm thu
Đầu năm học mới 2017-2018, ngay sau khi nhận được phản ánh “nóng” của dư luận về tình trạng lạm thu đầu năm học tại một số cơ sở giáo dục, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra đột xuất tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Nghệ An.
Theo đó, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT đã thành lập 2 đoàn kiểm tra và đến trực tiếp các cơ sở giáo dục báo chí phản ánh để làm rõ các khoản thu, xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định.
Sau khi kiểm tra, Thanh tra đã yêu cầu chấm dứt ngay việc thu các khoản thu trái quy định, khoản thu chưa được sự đồng thuận của phụ huynh, đồng thời hoàn trả ngay phụ huynh những khoản thu trái quy định; kiến nghị Phòng GD&ĐT, UBND quận, huyện, Sở GD-ĐT kịp thời kiểm tra, thanh tra tất cả các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) theo quy định.
Học sinh THCS sẽ được miễn học phí như bậc tiểu học
Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vừa được Bộ GD&ĐT trình Chính phủ, học sinh THCS sẽ không phải đóng học phí.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành trình Chính phủ.
“Học phí là khoản tiền của gia đình người học hoặc người học phải nộp để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục. Học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí”.
Bên cạnh đó, mức thu học phí các bậc học khác sẽ được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc Trung ương quản lý.
HĐND cấp tỉnh quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND cùng cấp. Cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý”.
Sửa đổi Luật Giáo dục
Năm 2017, Bộ GD&ĐT trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành với một số thay đổi đáng chú ý như miễn học phí tới cấp THCS, lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương.
Vào cuối tháng 11/2017, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH theo kế hoạch sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018).
Năm 2017 công tác thẩm định, kiểm định và xếp hạng ĐH được chú trọng. Bộ GD&ĐT đã triển khai kế hoạch tổ chức thẩm định, xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục ĐH; ban hành Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH.
Kim Hiền