Như đã thông tin, số lượng khủng long ở phần này dự kiến sẽ nhiều bằng cả 4 phần trước cộng lại. Ngoài những cái tên quen thuộc đã góp mặt trong những phần trước như: Velociraptor, Apatosaurus, T-Rex,… đến phần 5 này, đoàn làm phim kỳ vọng, khán giả sẽ cực kỳ thích thú với những loài khủng long mới, mạnh hơn, to hơn và nguy hiểm hơn như: Carnotaurus, Baryonyx, Cinoceratops, Allosaurus và còn có thêm cả một loài khủng long lai cực ngầu tên là Indoraptor.
Cùng khám phá 6 loài khủng long sẽ khuấy đảo không gian của Jurassic World: Fallen Kingdom trong mùa hè này nhé:
1.Apatosaurus
Trong lịch sử, Apatosaurus đã từng là một sinh vật lớn nhất trên Trái Đất. Trọng lượng của một con Apatosaurus có thể lên đến... 35 tấn, với chiếc cổ dài và thân hình đồ sộ, tổng chiều dài của loài khủng long này có thể gấp gần 3 lần chiều dài một chiếc xe bus.
Trái ngược với thân hình đồ sộ của chúng, những con Apatosaurus thường rất hiền lành và là loài động vật ăn cỏ. Tuy nhiên, hãy dè chừng với loài khủng long này bởi nếu làm chúng hoảng sợ hay gặp nguy hiểm, những con Apatosaurus có thể dễ dàng nghiền nát nhiều loài khủng long ăn thịt nhỏ con hơn.
2.Ankylosaurus
Có ngoại hình giống loài rùa, Ankylosaurus khiến nhiều nhà khoa học nghĩ rằng đây chính là “ông tổ” của loài rùa hiện nay. Đặc điểm nổi bật của loài này chính là lớp giáp dày, đầy gai nhọn cùng với quả chùy rất cứng ở ngay đuôi, dùng để tự vệ khi bị những loài ăn thịt khác tấn công.
Loài khủng long này đã xuất hiện lần đầu trong Jurassic Park III, và có nhiều đất diễn hơn ở Jurassic World nữa đấy nhé!
3.Pteranodon
Được coi là... hung thần trên trời, đây chính là loài hiếm hoi có cánh. Sải cánh của chúng có thể dài đến 6m. Trên thực tế, những con Pteranodon không hề có răng và chúng cũng không được xếp vào hàng khủng long. Tuy nhiên trong phim, những con Pteranodon lại chính là oài sinh vật săn mồi hung tợn bậc nhất trên màn ảnh – nỗi khiếp đảm của những nhân vật trong phim.
4.Carnotaurus
Là loài khủng long ăn thịt đáng sợ bậc nhất trong thời tiền sử, những con Carnotaurus chính là kì phùng địch thủ của loài T-Rex hùng mạnh. Cùng là loại khủng long bạo chúa, tuy nhiên Carnotaurus lại có cặp sừng rất đặc trưng ở trên đỉnh đầu và hộp sọ ngắn cùng với kích thước nhỏ hơn T-Rex.
5.Baryonyx
Baryonyx hay còn được gọi là khủng long mõm dài, chúng cũng được liệt vào hàng những loài thú săn mồi dữ tợn nhất trong thời tiền sử.
Đặc biệt, với khả năng di chuyển khéo léo và linh hoạt, những con Baryonyx chính là kẻ săn mồi đáng sợ chẳng kém gì những con T-Rex hùng mạnh.
6.Allosaurus (Khủng long bạo chúa Allosaurus)
Thông thường, những loài khủng long bạo chúa thường sống đơn độc, một mình, song những con khủng long bạo chúa Allosaurus lại có tính bầy đàn và tập tính săn mồi theo nhóm. Sở hữu tốc độ nhanh và hàm răng chắc khỏe sắc bén, chúng có thể hạ gục cả một con khủng long to lớn bằng cách bao vây tấn công và cắn vào chỗ hiểm yếu của đối thủ.
Khả Ngân (tổng hợp)