Nội dung chính
Mỗi quốc gia có phong tục đón năm mới khác nhau tuỳ thuộc vào đặc điểm văn hoá lịch sử cũng như vị trí địa lý của mình. Vào thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, người dân sẽ tổ chức một số hoạt động thú vị để tạm biệt một năm đã qua cũng như cầu mong năm mới ấm no, đầy đủ.
Cùng Thieunien.vn khám phá những phong tục đón năm mới độc đáo của các quốc gia trên thế giới nhé!
Tây Ban Nha: Ăn 12 quả nho
Vào thời khắc Giao thừa, người dân Tây Ban Nha sẽ ăn 12 quả nho để cầu may mắn và phát đạt. Vì sao lại là 12 quả nho mà không phải con số khác? Lý do cũng đơn giản thôi, 12 quả nho tượng trưng cho 12 tháng trong năm mới.
Tuy nhiên, người dân sẽ không ăn nho theo cách bình thường mà thưởng thức chúng theo tiếng chuông. Cụ thể, mỗi khi tiếng chuông ngân vang, họ sẽ phải ăn một quả nho tương ứng và phải ăn hết 12 quả nho trước khi tiếng chuông cuối cùng điểm. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, năm mới của họ sẽ gặp nhiều khó khăn, trắc trở.
Người dân Tây Ba Nha thường cắn quả nho làm hai, nhai nhanh và nuốt, rồi thưởng thức một ly rượu sâm banh trong thời khắc Giao thừa.
Đan Mạch: Đập vỡ bát đĩa
Người dân Đan Mạch có cách đón Giao thừa khá “cục súc”. Cụ thể, họ sẽ dành dụm những chiếc bát đĩa không dùng để trong cả năm. Vào thời khắc năm mới, người dân mang ném chúng trước cửa căn nhà của người thân trong gia đình và bạn bè để cầu may.
Với người bị ném bát đĩa, càng nhiều mảnh vỡ thì chủ nhà càng có nhiều bạn và nhiều may mắn trong năm mới. Tuy nhiên, ngày nay phong tục này hiện đã mai một đi không ít.
Ngoài ra, người dân Đan Mạch còn nhảy ra khỏi ghế vào thời khắc giao thừa vì tin rằng hành động này tượng trưng cho "bước tiến nhảy vọt" trong năm mới.
Nhật Bản: Rung chuông đúng 108 lần
Vào ngày đầu năm, người dân Nhật Bản cầu may mắn bằng cách rung chuông đúng 108 lần. Đây gọi là lễ rung chuông joyanokane, thường được tổ chức tại các đền thờ Phật giáo Nhật Bản. Khi tiếng chuông vang lên, mọi tội lỗi hay những điều xấu của năm cũ sẽ "biến mất" tất cả, chỉ còn may mắn để nước vào năm mới.
Bên cạnh đó, người Nhật cũng thưởng thức lẩu mì trường thọ toshikoshi soba để ước muốn cuộc sống sung túc lâu dài.
Philippines: Nhà cửa được trang trí bằng đồ vật hình tròn
Với quan niệm những món đồ hình tròn sẽ đam lại thịnh vượng và giàu có trong năm mới, người Philippines thường trang trí những món đồ tròn trịa vào thời khắc Giao thừa để cầu may.
Dịp này, trang phục của họ sẽ có hoạ tiết dạng tròn, như họa tiết chấm bi, trong túi có các loại tiền xu và thường ăn những trái cây dạng tròn.
Hy Lạp: Treo một củ hành tím hoặc dây củ hành lên trước cửa sổ
Củ hành tím có sức sống vô cùng mãnh liệt và kiên cường, nó có thể tiếp tục phát triển lá ngay cả khi bị bật rễ. Chính vì vậy, người Hy Lạp thường treo một củ hành tím hoặc dây củ hành lên trước cửa sổ để cầu mong cho sự tái sinh cho năm mới. Họ tin rằng, sức sống của củ hành tím sẽ truyền cho họ sự kiên cường và may mắn.
Vào ngày đầu tiên của năm mới, bố mẹ thường dùng củ hành để đánh nhẹ lên đầu con mình để đánh thức chúng trước khi đi lễ nhà thờ.
Siberia: Trông cây dưới sông băng và nhảy xuống hồ băng
Để năm mới khởi đầu đầy năng lượng, người Siberia thường trồng cây dưới sông băng. Đây được gọi là cây Năm mới đánh dấu sự xuất hiện của vị thần mùa đông và tượng trưng cho sự khởi đầu mới.Ngoài ra, họ còn thực hiện một phong tục truyền thống thú vị khác là nhảy vào hồ băng lạnh cóng.
Scotland: "xông đất" và thổi lửa
Tục "xông đất" trong năm mới tại Scotland khá giống Việt Nam. Đây là phong tục mà người đầu tiên sẽ bước vào cửa nhà trong thời khắc Giao thừa. Người Scotland tin rằng, người đầu tiên ấy sẽ quyết định đến vận may của gia chủ trong vòng 12 tháng tới.Do đó, họ thường chọn những thanh niên tóc đen, cao to mang tới những món quà như tiền xu, than, bánh mì, muối và rượu whiskey để đem lại may mắn cho gia đình mình.
Ngoài ra, trong năm mới, tại Scotland có một lễ hội thú vị mang tên lễ hội thổi lửa Hogmanay. Người dân sẽ sử dụng những quả cầu lửa lớn, diễu hành hoành tráng để xua đuổi ma quỷ. Các nghệ sĩ quay những quả cầu lửa ngay phía trên đầu rồi ném xuống biển.