HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY BÁO TNTP RA SỐ ĐẦU TIÊN (1/6/1954-1/6/2024)

Niềm vui sau những chuyến đi

Đoàn Diệu
23 năm gắn bó với báo Thiếu niên Tiền phong (TNTP), công việc đã đưa tôi đi nhiều nơi, học hỏi được biết bao điều thú vị với không ít kỷ niệm vui buồn. Thật vui vì mình đã gắn kết được sự thân thiết giữa báo Đội với các em nhỏ ở dải đất miền Trung gian khó, đã làm cầu nối cho những tấm lòng thơm thảo giúp các em vượt khó học tốt… Chính những điều đó đã cho tôi nhiều cảm xúc, can đảm để có những bài báo thật ý nghĩa.

NHỚ nhất là năm 2011, chỉ sau vài cơn mưa đầu mùa đông, đường về vùng “Càng” Hội Điền của huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) nhiều đoạn nước đã ngập sâu, tôi lo lắng lắm, nghĩ sẽ phải quay về thôi bởi tôi vốn sợ nước, lại không biết bơi. Nhưng cuối cùng tôi quyết vượt qua khi nhớ lại cuộc gọi rưng rưng của anh Lê Quang Khánh - Bí thư Huyện đoàn (nay là Ủy viên Ban thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Hải Lăng), chia sẻ những gian nan đến trường của học sinh nơi đây. Càng Hội Điền là nơi cuối nguồn sông Ô Lâu, vùng đất thấp hơn mực nước biển từ 0,7-1m nên mùa này như những ốc đảo, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.

Ngày vào Càng, tôi xúc động hơn nhiều so với khi nghe anh Khánh kể. Giữa biển nước mênh mông không có bóng người, tôi đi cùng thầy Nguyễn Thanh Trí - Hiệu trưởng trường Tiểu học Hải Hòa. Khóa xe để trên đê, chúng tôi đợi mãi mới có ghe trong làng ra đón. Bước lên chiếc ghe máy nhỏ, chòng chành, khi ra giữa dòng, nước rỉ vào ghe sau mỗi cơn gió lùa, chúng tôi thay nhau tát lấy tát để. Tôi gần như không dám thở khi thấy mình… gan quá! Gan là bởi tôi đang mang trong mình em bé 5 tháng tuổi, trên ghe không có một thứ bảo hộ nào...

Cảm nhận tôi căng thẳng, thầy Trí từ từ kể chuyện suốt quãng đường đi, rằng: đây là cánh đồng lúa nhưng vào mùa mưa lũ thì mênh mông như biển. Con đường duy nhất để ra vào Càng là bằng ghe đò như thế này. Chuyện đến trường phải thức dậy từ 4-5 giờ sáng, rồi tự mình đến lớp trên những chiếc ghe nhỏ như vậy là bình Nhà báo Đoàn Diệu và những hành trình thiện nguyện của báo Đội. 6 thường và đương nhiên với học trò nơi đây, dù là học sinh lớp 1, 2 nhỏ dại. Nhà nào xa, trời mùa mưa thì vắt quần lên vai, tay xách dép rồi lội nước hoặc chèo ghe; mùa nắng khô ráo thì đạp xe. Thiệt thòi hơn là các em cũng chỉ được học 2 môn: Toán và Tiếng Việt. Thương những em lớn hơn, bắt đầu lớp 5 trở lên, phải đi học hàng chục cây số và tự chèo chống đến điểm trường chính trên những chiếc ghe ngo mỏng manh, chông chênh, rất nguy hiểm. Vậy mà không chút chùn chân, các em luôn khát khao ước mơ được đến trường, mong tương lai sẽ quay về giúp quê mình đỡ khổ hơn… Mải dõi theo lời thầy kể, tôi không bận lòng băng qua biển nước, chỉ thở phào khi nghe bọn trẻ reo lên lúc ghe vào làng.

Nhà báo Đoàn Diệu và
những hành trình thiện
nguyện của báo Đội.
Nhà báo Đoàn Diệu và những hành trình thiện nguyện của báo Đội.

Đã thành thói quen, trước mỗi chuyến đi về với học sinh vùng sâu, vùng xa, tôi luôn chuẩn bị quà bánh, vở bút, học bổng cho các em. Nhưng lần này, tôi thấy áy náy vô cùng vì không kịp “xin được nhiều hơn” khi chứng kiến các em, các cháu thiệt thòi mọi thứ. Đang độ tuổi mẫu giáo, các bé chỉ loanh quanh trong làng, chưa được đến lớp, bởi trường cách 15km, ba mẹ vất vả mưu sinh nên khó ai đưa đón được. Có sớm chăng là bọn trẻ giỏi chèo ghe, ngụp lặn nhanh nhẹn trong dòng nước đục màu kia…

Đã trong thôn xóm nhưng mọi di chuyển vẫn đều bằng ghe, tôi thấy bất tiện vô cùng và lại càng khâm phục hơn những thầy cô gắn bó với nơi đây. Thầy Trí kể, những cô giáo có thâm niên ở vùng này nhiều năm, ai cũng nghĩ mình chỉ làm cho hết trách nhiệm rồi thôi. Nhưng khi về đây với học trò rồi, ai nấy đều mong đem hết kiến thức truyền cho các em, không nỡ “quay lưng” bỏ dở những ước mơ ở vùng đất tội nghiệp. Các thầy cô ra Càng dạy vất vả đường sá đã đành, khoảng cách giữa các Càng lại xa, dân ít thế nên toàn là lớp học ghép (khoảng 9-10 trò), một giáo viên và tấm bảng lúc nào cũng phải chia làm ba, làm bốn... bài giảng luôn dài gấp bội.

Nhiều năm trước, ở đây có thầy Nguyễn Văn Côi (năm ấy ngoài 50 tuổi), thầy như “ánh sáng” của làng, ai ai nhắc đến thầy cũng bằng lòng thành kính và biết ơn. Ngoài việc dạy, cứ mỗi ngày đầu tuần, thầy lại lặn lội vào trường chính nhận sữa và bánh (chương trình Hỗ trợ học đường) về phát cho học trò. Có khi vì tiết kiệm thời gian, thầy nhận chở luôn cho những tuần sau nên từng bị ngã gãy cả chân. Vậy mà thầy vẫn không bỏ lớp buổi nào. Dân làng yêu mến thầy như người thân. Không chỉ làm nhiệm vụ dạy học, bao nhiêu chuyện bà con trong Càng đều cần đến thầy: nhờ viết giấy tờ, khai sinh cho con, “tư vấn” đặt tên con… Và sau này vẫn vậy, với dân làng, những thầy cô vào Càng dạy, thầy tôi như là điểm tựa của mình.

Chép nhặt lại tất cả những câu chuyện ấy, tôi viết bài đăng báo in, báo điện tử và giới thiệu cho những phóng viên báo khác cùng chia sẻ. Từ đó có nhiều cá nhân, tổ chức từ thiện quan tâm về huyện Hải Lăng, về các làng Càng cách trở. Họ gửi quà, học bổng, giúp trang bị thêm kỹ năng sông nước, ghe thuyền cho con em đỡ chật vật hơn… Đặc biệt, từ những trang viết trên báo Đội, học sinh trong huyện, trong tỉnh cũng hiểu hơn về các bạn của mình; biết quan tâm, lấy làm động lực phấn đấu vượt khó học tốt - đó là những tâm sự chân tình của anh Lê Quang Khánh khi gửi lời cảm ơn báo TNTP. Cảm ơn Báo đã là người bạn đồng hành thân thiết, mang thông tin đều đặn về với các em mỗi tuần, tiếp được thêm nhiều niềm tin, nghị lực đáng quý đó…

Chuyến công tác năm ấy thật gian nan nhưng tôi hiểu, biết ơn những nghị lực, tình yêu được hun đúc từ nhiều năm làm ở TNTP, để tôi luôn biết cách vượt qua những nỗi sợ, gom niềm vui ở lại cho những hành trình tiếp theo.

Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm TNTP Thứ Tư, số 77 năm 2024. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm TNTP Thứ Tư. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé!

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Niềm vui sau những chuyến đi tại chuyên mục Phóng Viên Nhỏ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Phóng Viên Nhỏ khác

Giới thiệu ẩm thực quê hương

Với mong muốn quảng bá văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, thầy Phan Vũ Nguyên cùng nhóm học sinh lớp 10 trường THCS&THPT Đông Du (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã triển khai dự án “Sản xuất muối đồng bào vùng Tây Nguyên- Muối Amrêč”

Cô Tổng - Người vun đắp phong trào

Trong tâm trí của nhiều thế hệ học sinh, cô là người nghiêm khắc, luôn giữ nét mặt uy nghiêm; học sinh chỉ nghe tiếng bước chân của cô phía ngoài hành lang là cả lớp đã phải ngồi im không ai dám làm sai quy định.

Số hóa di tích lịch sử cơ quan Trung ương Đoàn

Đoàn xã Minh Thanh (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) vừa thực hiện số hóa các di tích Trụ sở Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) và báo Tiền Phong - Thiếu niên (nay là báo Tiền Phong, báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng).