Nơi lưu giữ những năm tháng ấu thơ của Bác Hồ trên đất Cố đô

PV
Thuở thiếu thời, Bác Hồ đã có thời gian sinh sống tại Huế trong khoảng 10 năm. Nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), Chúng ta cùng tìm hiểu những địa danh gắn liền với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên vùng đất Cố đô Huế.

Mái trường hồng và Tiểu học Pháp Việt – Đông Ba

Chủ tịch Hồ Chí Minh theo cha đến sống trên đất Huế, đó là thời kỳ từ năm 1895 đến năm 1901, khi Người ở tuổi nhi đồng mang tên Nguyễn Sinh Cung (5 - 11 tuổi). Thời kỳ thứ 2 từ năm 1906 - 1909, khi Người đã ở tuổi thanh niên, mang tên Nguyễn Tất Thành (16 - 19 tuổi).

Trường Quốc học Huế - nơi Bác Hồ đã học.
Trường Quốc học Huế - nơi Bác Hồ đã học.

Theo tài liệu, tháng 5/1906, cụ Nguyễn Sinh Sắc vào Huế nhận chức sau khi thi đỗ Phó bảng, đưa Nguyễn Tất Thành theo cùng và Người được vào Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba. Ngôi trường này được thành lập năm 1905, trên nền đình chợ Đông Ba cũ. Đây là trường Pháp - Việt bậc tiểu học đầu tiên ở Huế.

Bác Hồ học ở Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba lớp nhì, niên khóa 1906 - 1907 và lớp nhất, niên khóa 1907 - 1908. Được biết các năm đầu học ở đây, học sinh được dạy bằng 3 thứ tiếng: Pháp, Hán, Việt. Lên năm trên, tiếng Hán bị hạn chế. Các môn học gồm Pháp văn (chủ yếu), Quốc văn, Hán văn, toán, sử, địa, khoa học, tập vẽ. Học sinh từ lớp ba trở lên đã nói được tiếng Pháp. Học sinh lúc ấy mặc áo dài đen, quần trắng bằng vải quyến, đầu đội khăn đóng, đi guốc mộc.

Công viên ở đường Phan Đăng Lưu, thành phố Huế, địa điểm của trường Pháp - Việt Đông Ba, nơi Bác Hồ theo học những năm 1906 – 1908
Công viên ở đường Phan Đăng Lưu, thành phố Huế, địa điểm của trường Pháp - Việt Đông Ba, nơi Bác Hồ theo học những năm 1906 – 1908

Trong kỳ thi tốt nghiệp tiểu học 1908, Nguyễn Tất Thành là một trong 10 học sinh của trường được chuyển thẳng vào Trường Quốc học Huế, hệ trung học. Nguyễn Tất Thành đặc biệt học giỏi môn Hán tự, còn Pháp văn sẵn có tư chất thông minh, cộng thêm với mục đích muốn tìm hiểu tận cội rễ về nước Pháp nên chỉ trong thời gian ngắn Người đã có trình độ Pháp văn vững vàng. Tại đây, Người gặp được những thầy giáo rất tâm huyết với dân tộc và học hỏi được rất nhiều điều từ thầy học, góp phần mở rộng tầm nhìn, mở mang tri thức, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng của Người.

Trường Quốc học, nơi lưu dấu ấn về người học trò xuất sắc Nguyễn Tất Thành tại Huế, đã được công nhận là di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 26/3/1990.

Di tích Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan.
Di tích Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan.

Ngôi trường hồng bên dòng sông Hương tuy đã nhiều lần được sửa chữa, xây mới nhưng nhiều hình ảnh tư liệu của mái trường gắn với giai đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh từng học tập luôn được các thế hệ thầy trò nhà trường trân trọng. Tại Nhà lưu niệm về Bác Hồ và truyền thống của Trường Quốc học Huế, tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được phóng to, treo trang trọng cùng với tượng đài và nhiều hình ảnh ghi lại những năm tháng hoạt động cách mạng của Người. Giữa sân trường, bức tượng học trò Nguyễn Tất Thành được đặt ở vị trí trang trọng nhất như muốn nhắc nhở các thế hệ học sinh tại Quốc học nâng cao tinh thần hiếu học, nỗ lực phấn đấu vì lý tưởng của đời mình.

Đến giữa năm 1909, Nguyễn Tất Thành rời Trường Quốc học, theo cha vào Bình Định, tiếp tục đi vào Nam, rồi sang phương Tây tìm đường cứu nước.

Khung cửi của bà Hoàng Thị Loan ở gian bếp khu di tích ở đường Mai Thúc Loan
Khung cửi của bà Hoàng Thị Loan ở gian bếp khu di tích ở đường Mai Thúc Loan

Nhà đơn sơ bên góc vườn

Di tích Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan là ngôi nhà đầu tiên Người đã sống khi theo gia đình vào Huế lần thứ nhất từ 1895 - 1901. Ngôi nhà được Bộ Văn Hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 74/VH-QĐ ngày 2/2/1993.

Thừa Thiên Huế đang thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, lấy di sản làm nền tảng, xây dựng Huế thành đô thị di sản của Việt Nam, cùng với hệ thống di sản Cố đô; di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh; di sản Hồ Chí Minh đang nỗ lực để trở thành lợi thế trong xây dựng và phát triển của tỉnh. Vì vậy, từ đầu năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế xây dựng Đề án: “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch” và đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt.

Mục tiêu của Đề án là phát triển du lịch bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, phù hợp với các quy hoạch, chương trình trọng điểm phát triển du lịch-dịch vụ của tỉnh; tạo địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, đồng thời là điểm du lịch văn hóa, lịch sử hấp dẫn, thu hút khách tham quan.

Ngôi nhà làng Dương Nỗ - nơi Bác Hồ từng sinh sống được bảo tồn và xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Ngôi nhà làng Dương Nỗ - nơi Bác Hồ từng sinh sống được bảo tồn và xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Năm 1895, cụ Nguyễn Sinh Sắc đưa gia đình vào Huế sinh sống, được người quen giới thiệu, gia đình cụ Sắc đã thuê được một căn nhà nhỏ nằm trong khu vực thành nội. Đây là một ngôi nhà gỗ rộng ba gian, kiến trúc theo kiểu nhà rường truyền thống của Huế với mái lợp ngói liệt, tường bao quanh bằng gạch vồ, mặt trước là hệ thống cửa bản khoa “thượng song, hạ đố”, nối với nhà chính là nhà bếp, vách trát đất.

Ngôi nhà nằm trong một tổng thể nhà - sân - vườn hoàn chỉnh. Ngôi nhà này đã chứng kiến những năm tháng đèn sách của thân phụ Bác cũng như những nhọc nhằn của thân mẫu Bác khi nuôi chồng và con ăn học. Người em của Bác - Nguyễn Sinh Xin cũng sinh ra ở đây.

Ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ.
Ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ.

Theo quan sát của phóng viên, gian giữa nhà với bộ trường kỷ gỗ để gia đình Bác tiếp khách, các con học hành. Bên trong ngôi nhà hiện vẫn có một khung dệt, một xa sợi được tái tạo bước đầu theo đúng khung dệt và xa sợi ở nhà Bác tại Kim Liên, chiếc giá sách, chiếc xa quay, khung cửi, cánh võng, nón lá, yếm, khăn, đôi quang gánh, chiếc đĩa đèn dầu, nồi niêu, bát, đĩa…

Những kỷ vật trong ngôi nhà gắn liền với thời thơ ấu của Bác Hồ.
Những kỷ vật trong ngôi nhà gắn liền với thời thơ ấu của Bác Hồ.

Giai đoạn sống tại ngôi nhà này Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất nhỏ, nhưng những kỷ niệm tại đây đã in sâu trong tâm khảm của Người. Đó là hình ảnh người cha mẫu mực, nghiêm khắc, tấm gương sáng cho các con trên con đường học hành, chinh phục tri thức.

Ngôi nhà cũng ghi đậm kỷ niệm buồn đau trong trái tim Người với nỗi đau mất mẹ, tiếng khóc khát sữa của em thơ. Năm 1900, cũng chính trong ngôi nhà này, khi ông Sắc làm thư ký tại Thanh Hóa, bà Loan đã qua đời trong cảnh cơ hàn khi mới 33 tuổi. Sau đó bé Xin vì khát sữa mẹ, quá yếu và cũng đi theo mẹ. Mẹ và em mất khi cha và anh vắng nhà. Ngôi nhà nhỏ trong thành nội ngập trong đau thương, nỗi đau ấy Người phải chịu gấp bội phần vì chỉ có một mình không có người ruột thịt bên cạnh.

Rời ngôi nhà đầu tiên nơi Bác sinh sống ở Huế, phóng viên xuôi theo dòng Phổ Lợi về làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, thành phố Huế, thăm ngôi nhà cũng gắn bó nhiều kỷ niệm tuổi ấu thơ của Bác khi Người cùng cha và anh trai sống trong các năm 1898 - 1900. Ngôi nhà lưu niệm ở làng Dương Nỗ đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định 296/VH-QĐ ngày 26/3/1990.

Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế bao gồm 9 di tích, địa điểm di tích, được chính quyền địa phương quan tâm bảo tồn và xếp hạng từ khá sớm, ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mới đây, Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế (gồm 4 di tích) được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, bao gồm: Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan; Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường làng Dương Nỗ; Đình làng Dương Nỗ; Địa điểm Trường Quốc học. Các di tích còn lại gồm: Địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh); Am Bà; Bến Đá; Địa điểm Tòa Khâm sứ Trung kỳ; Địa điểm Trường Tiểu học Pháp-Việt Đông Ba cũng đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh và đã được phân cấp quản lý.

Nhà lưu niệm Bác Hồ mang vẻ đẹp bình dị như chính cuộc đời của Bác
Nhà lưu niệm Bác Hồ mang vẻ đẹp bình dị như chính cuộc đời của Bác

Ngôi nhà ở làng Dương Nỗ nơi Bác cùng cha và anh sinh sống cùng kiểu kiến trúc với di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đường Mai Thúc Loan, nhưng xung quanh nhà cây trái theo mùa thay nhau phủ xanh khuôn viên hơn 1.000m2, cùng với các thiết chế văn hóa của làng như đình làng, nhà thờ họ, nhà thờ chi, nhánh, am miếu... hình thành một không gian văn hóa làng quê giàu bản sắc được lợp mái tranh giản dị nằm nép mình bên dòng sông Phổ Lợi hiền hòa, vách ghép ván, được dựng theo kiểu 3 gian 2 chái truyền thống của người Huế.

Trong ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ còn lưu giữ những đồ dùng sinh hoạt của gia đình Người như: Bộ phản gỗ nơi ông Nguyễn Sinh Sắc ngồi dạy học, chiếc giường gỗ dát tre - nơi hai anh em Khiêm, Cung thường nằm…

(nguồn: dangcongsan)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

  • Tags
Bạn đang đọc bài viết Nơi lưu giữ những năm tháng ấu thơ của Bác Hồ trên đất Cố đô tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Xét tặng Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2024

Nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể xuất sắc trong công tác tình nguyện vì cộng đồng, Ban Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chính thức ban hành kế hoạch tổ chức Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2024.