“Ô cửa văn học – Qua miền Tây Bắc” quặng ngầm và những hạt vàng lấp lánh

Bảo Lâm
Từ ngày 24 đến 28/6/2024, Trại sáng tác “Ô cửa văn học – Qua miền Tây Bắc” dành cho các cây bút nhí yêu văn chương và có niềm đam mê sáng tác đã được tổ chức tại cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Trại sáng tác do Hội đồng Văn học Thiếu nhi – Hội Nhà văn Việt Nam; Báo thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, trường Tiểu học & Trung học cơ sở Tây Tiến kết hợp tổ chức đã vinh dự được nhà thơ Trần Đăng Khoa theo sát cho đến khi tổng kết. Đây là lần đầu tiên, Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một trại sáng tác dành cho các cây bút nhỏ tuổi – theo đúng nghĩa để “nuôi mầm” chữ nghĩa.

Khai mạc trại sáng tác vui tưng bừng
Khai mạc trại sáng tác vui tưng bừng

Trại sáng tác nhí đã làm được điều “không hề nhỏ”

Đây là trại sáng tác mang tính “thử nghiệm” nên ngay từ đầu Trưởng trại – nhà thơ Bảo Ngọc – Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học Thiếu nhi không quảng bá chương trình rộng rãi. Nội dung cũng như chủ trương của Trại sáng tác chỉ được gửi thông báo đến một vài trường có các thầy cô giáo và các em học sinh là những người yêu văn chương, có niềm đam mê viết văn, muốn được học hỏi từ các nhà thơ, nhà văn mà mình yêu mến.

Với sự dẫn dắt của 4 nhà thơ, nhà văn, 29 trại viên gồm 6 thành viên trưởng nhóm là giáo viên và phụ huynh, 23 cây bút nhí trong đó có những cây bút còn “hoang mang” khi đứng trước môn Ngữ văn, vậy mà chỉ sau 4 ngày, trại sáng tác đã lập được “kỳ tích”:  Lễ khai mạc đầy hứng khởi; Lễ tổng kết bội thu tác phẩm; 2 buổi tọa đàm “Tôn trọng sự khác biệt” và “Sức mạnh của ngôn từ” đầy lôi cuốn với thành quả là những bài học quý hơn vàng.

Qua 4 ngày tham gia các hoạt động trải nghiệm, tại buổi Tổng kết, trại sáng tác đã nhận được gần 50 bài thơ cùng hơn 20 truyện ngắn, bài viết ngắn của các cây bút nhí. Để có số lượng tác phẩm đáng khích lệ, đặc biệt là 100% trại đều hào hứng viết, không thể không nói đến sự nêu gương, nộp tác phẩm ngay tại trại của các cô giáo trưởng nhóm sau những góp ý, chia sẻ của các nhà thơ, nhà văn giàu kinh nghiệm.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Tôi quá bất ngờ và ngạc nhiên vì chỉ trong 4 ngày, một trại sáng tác thiếu nhi lại làm được đến 2 buổi tọa đàm, đi rất nhiều, hoạt động gần kín lịch mà trại viên nào cũng có sáng tác mới đáng khen. Càng bất ngờ hơn sau khi chấm chọn tác phẩm, BTC đã kịp in và cho các trại viên Giấy chứng nhận tham dự trại sáng tác, Giấy chứng nhận tốp học sinh có tác phẩm hay được thiết kế rất đẹp và chuyên nghiệp…”.

Lễ tổng kết tràn đầy niềm vui
Lễ tổng kết tràn đầy niềm vui

Những “thành viên đặc biệt” của Trại sáng tác 

Khi đăng ký trại sáng tác, phụ huynh của em học sinh Nghiêm Huy Bách, lớp 6A8, trường THCS Trưng Nhị (Hà Nội) có gửi đến Ban Tổ chức lời nhắn: “Bố Huy Bách là một người yêu văn chương và mê đọc sách. Thấy tên tuổi các nhà thơ, nhà văn dành nhiều tâm huyết cho văn học thiếu nhi tham dự trại lần này, đặc biệt có nhà thơ Trần Đăng Khoa – là thần tượng mến mộ cả tuổi thơ của bao thế hệ nên xin BTC cho bố Huy Bách được tham dự cùng con với ạ”. – Thật khó để từ chối một lời đề nghị tha thiết đến thế, BTC đã đồng ý để bác Nghiêm Xuân Cường tham dự.

Suốt cả thời gian dự trại sáng tác, ngoài những giây phút trao đổi, trò truyện với sự hiểu biết như một pho từ điển, lúc nào bác phụ huynh Xuân Cường cũng nghiêm chỉnh ghi chép vào sổ và không quên ghi âm lại các bài nói chuyện, chia sẻ của các nhà thơ, nhà văn. Thật bất ngờ hơn khi được biết bác Cường chỉ là một người thợ may bình thường nhưng trong nhà có hàng trăm bộ sách quý.

Tham gia trại sáng tác lần này còn có hẳn một “đoàn tàu văn chương” tham dự, đó là gia đình cô giáo Bùi Thị Quynh (trường THCS Nguyễn Tri Phương) với các con là Đinh Bùi Lâm Phương, Đinh Bùi Mộc Nhi, Đinh Bùi Khải Ngân. Đây là các cây bút nhí đã có tác phẩm lần lượt xuất hiện trên Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, trong đó Đinh Bùi Khải Ngân mới học xong lớp 3, và Đinh Bùi Mộc Nhi học lớp 4 – cô bé được trao giải 3 của cuộc thi Đóa hoa đồng thoại.

Có 3 cộng sự vô cùng quan trọng của Trại sáng tác là cô Đỗ Thu Hương (trường THCS Phan Chu Trinh) với vai trò tổng quản trong việc quan tâm chăm lo quán xuyến chung ở từng bữa ăn hoặc thuốc men tới các trại viên. Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Hậu (trường THCS Nguyễn Tri Phương) là người viết bản tin chi tiết từng ngày hoạt động của trại. Cô Hậu và cô Phan Kim Dung (trường Phổ thông liên cấp Phenikka) còn là người thiết kế phông các sự kiện, thiết kế giấy chứng nhận một cách chuyên nghiệp khiến cho trại sáng tác hoàn thành đẹp đẽ trong niềm vui trọn vẹn.

Một thành viên cô cùng mẫn cán và tận tụy của Trại sáng tác là nhà văn Lê Phương Liên. Chiều ngày thứ 3 mới tới trại nhưng buổi tổi “Bà Thủy thần” đã có buổi trao đổi trực tuyến cũng như hướng dẫn trực tiếp các cây bút nhỏ về công việc hình thành ý tứ, sắp xếp câu chữ để hình thành tác phẩm.

Tuy nhiên, thành viên đặc biệt nhất của trại sáng tác không thể không nhắc đến đó là sự tham gia trọn vẹn hành trình cả 5 ngày của nhà thơ Trần Đăng Khoa, đây là một điều chưa từng có tiền lệ bởi nhà thơ thần đồng vốn luôn có một núi công việc, sự kiện đang xếp hàng.

Sự hy sinh thời gian vàng bạc đầy nhiệt tâm của nhà thơ Trần Đăng Khoa là nguồn khích lệ vô cùng lớn đối với đại diện BTC Trại sáng tác, với những người con Tây Bắc mến mộ văn chương, yêu mến nhà thơ cũng như đối với 29 trại sinh đến từ rất nhiều trường học ở Hà Nội và Hoà Bình: THCS Nguyễn Tri Phương, THCS Phan Chu Trinh, THCS Ngô Sĩ Liên, THCS Giảng Võ, THCS Mạc Đĩnh Chi, THCS Trưng Nhị, THCS Nguyễn Văn Huyên (Hoài Đức), THCS Chu Văn An (Long Biên), TH Gia Quất, TH Trưng Vương, Liên cấp Phenikka, trường THCS Lý Tự Trọng (Hòa Bình).

Trao quà tới các chiến sĩ tại Đồn Biên phòng Lóng Sập trong chương trình hỗ trợ “Bữa sáng cho em đến trường”
Trao quà tới các chiến sĩ tại Đồn Biên phòng Lóng Sập trong chương trình hỗ trợ “Bữa sáng cho em đến trường”

Ký ức như dòng suối mát

Ký ức của trại sáng tác Ô cửa văn học qua miền Tây Bắc” lần này có lẽ được gắn liền với những cơn mưa.

Ngày đầu tiên, Hà Nội tiễn đoàn trong buổi sớm trời mưa như bão. Tới Mộc Châu, đón đoàn cũng là những cơn mưa cứ chốc chốc lại rắc xuống ào ào với những áng sương mờ giăng trên đỉnh núi. Thế mà thật lạ, khi cả đoàn lên đến Lâm Viên Tây Tiến làm lễ dâng hương đoàn binh hào hoa, thì trời bật nắng, sáng bừng. Điều ấy như một minh chứng cho thấy sự linh thiêng kì diệu của những anh linh Hà thành thuở xưa từng “gục trên súng mũ bỏ quên đời”.

Ngày thứ hai, buổi thăm đồi chè trái tim trời đang lắc rắc mưa bỗng ào ào như trút rồi cũng bất ngờ tạnh ráo. Cả đất trời Mộc Châu xanh mướt bừng lên dưới những tia nắng mỏng. Sau những khoảnh khắc đón gió như bay trên đồi chè, các trại sinh đến thăm trang trại bò sữa và lần đầu được thấy những con bê vừa mới sinh, lần đầu hì hụi cho bò ăn cỏ sau đó là thưởng thức những cốc sữa tươi vừa mới vắt còn nguyên kem, nguyên bơ, béo ngậy và nóng hổi.

Nhưng có lẽ khoảnh khắc ấn tượng nhất của Trại sáng tác Ô cửa văn học – Qua miền Tây Bắc là ở ngày thứ ba khi trại sáng tác được thăm Đồn biên phòng Lóng Sập và được… xuất ngoại!  Trời vẫn mưa!  Trong khi chú lái xe vui tính trêu các nhà văn nhí rằng: Trời Mộc Châu quý khách Hà Nội, quý đến nỗi đón khách mà cứ mừng rớt nước mắt” thì thầy Hiệu trưởng trường Tây Tiến bảo: “May quá, xuất phát mưa nên lát nữa sẽ tạnh ráo!”

Do có sự liên hệ từ trước của đầu cầu Mộc Châu nên đoàn đến cột mốc biên giới rất thuận lợi. Những bước chân rào rào bước sang bên kia mốc giới, và một cảm giác là lạ, vừa phấn khích vừa tự hào: “Chào Việt Nam nhé, 500 anh em mình xuất ngoại đây!”

Sau khi được qua cửa khẩu sang thăm nước bạn Lào, đoàn trở về ăn trưa tại đồn biên phòng, bữa ăn bộ binh – theo lời giới thiệu của đồng chí Nguyễn Văn Dũng, phó đồn Lóng Sập. Vì từ cửa khẩu về muộn nên các trại viên lỡ mất một trải nghiệm đã “đặt hàng” là được ăn cơm cùng các chiến sĩ. Tại đồn biên phòng, đoàn đã được các chiến sĩ kể cho nghe về công việc thường ngày của những người lính.

Họ không chỉ canh giữ biên giới, giữ yên bản làng ở một vùng từng rất phức tạp về nạn buôn bán ma túy, mà còn trong vai thầy giáo, thầy thuốc của bà con, còn đỡ đầu rất nhiều trẻ nghèo đến trường. Các trại viên đều cảm động khi được biết về chương trình “Bữa sáng cho em”, chương trình xoá bếp ăn tạm, phòng học tạm… mà đơn vị dành cho các bạn học sinh trong vùng.

Với tình cảm trân trọng, nhà thơ Trần Đăng Khoa, BTC và các giáo viên, trại viên đã trao tặng các phần quà gồm 9 triệu đồng cùng bút vở để chia sẻ với đồn Lóng Sập trong việc chăm sóc đỡ đầu cho học sinh khó khăn và bà con nơi này.

Một dấu ấn đáng nhớ của các trại viên là ngay trong buổi khai mạc, các cây bút nhí đã có một cử chỉ rất đẹp là tặng món quà yêu thích của mình cho các bạn đội văn nghệ của trường Tây Tiến. Đặc biệt nữa là trong buổi tổng kết, một vở kịch do chính trại viên tập dượt cũng đã được “công diễn” thật ấn tượng.

Chụp ảnh tại Cột mốc Trường Sa tại trường TH&THCS Tây Tiến
Chụp ảnh tại Cột mốc Trường Sa tại trường TH&THCS Tây Tiến

Những hạt vàng lấp lánh

Trại đã tổ chức thành công hai buổi tọa đàm. Nếu như buổi tọa đàm lần thứ nhất coi chủ đề “Tôn trọng sự khác biệt” làm điểm khởi đầu cho việc tôn trọng cá tính và dấu ấn riêng, thì cuộc tọa đàm lần thứ hai lấy “Sức mạnh của ngôn từ” như một khoảng trời rộng mở cho văn chương chọn được cách để hình thành. Các trại viên đã đặt câu hỏi và được nhà văn Lê Phương Liên, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Bảo Ngọc chỉ dẫn rất nhiều điều về nghề cầm bút.

Theo nhà thơ Bảo Ngọc: “Sức mạnh của ngôn từ trong đời sống được bắt nguồn từ những âm thanh đầu tiên thuộc về tiếng Mẹ. Sức mạnh của ngôn từ khiến người khiếm thị có thể nhận ra ánh sáng, người khiếm thính có thể lắng nghe được âm thanh. Chính từ sức mạnh của ngôn từ trong đời sống đã được chắt lọc để trở thành sức mạnh ngôn từ trong văn chương, sức mạnh trong kho tri thức của nhân loại rồi từ đó trở về phục vụ đời sống”.

Nhà văn Thái Chí Thanh gọi sức mạnh của ngôn từ là “lớp váng” ngôn ngữ đặc biệt. Nhà văn Lê Phương Liên cho thấy sức mạnh của ngôn từ có thể thức tỉnh cả một dân tộc. Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa như thường lệ đã có buổi chia sẻ cực kỳ quý giá trong việc giúp các cây bút nhí nhận ra sức mạnh của ngôn từ qua cách đãi chữ tìm vàng để từ đó, ngôn từ làm nên sức sống của một tác phẩm, cũng như sự vĩ đại của một nhà văn.

Để giúp các bạn nhỏ nhận ra những điều lấp lánh mới được hiển lộ ở mỗi tác phẩm dù còn non nớt, trong phát biểu đánh giá về chất lượng tác phẩm của các cây bút nhí dự trại, nhà thơ Lê Va (Chủ tịch Hội văn học Nghệ thuật Hòa Bình, Ủy viên BCH Hội đồng Văn học Thiếu nhi) bày tỏ sự thích thú bởi những phát hiện độc đáo của các bạn nhỏ, đó là bài thơ viết về đám mây đỉnh núi la cà nơi biên giới, về về chú chó nhỏ canh gác ở đồn biên phòng hay về “con suối chẳng trong xanh” dọc theo những đường mòn như đang hành quân bên núi…

Lễ dâng hương ở Lâm viên Tây Tiến
Lễ dâng hương ở Lâm viên Tây Tiến

Những đóng góp ẩn mình trong thầm lặng

Để kết nối và xây dựng cũng như tổ chức thực hiện được Trại sáng tác “Ô cửa Văn học qua miền Tây Bắc”, nhà thơ Bảo Ngọc – Phó Chủ tịch HĐ Văn học thiếu nhi, cũng là “tổng đạo diễn” của toàn bộ chương trình chia sẻ: “Năm 2009, tôi là cô phóng viên nhỏ mới lần đầu được đặt chân tới cao nguyên Mộc Châu. Sau cuộc kết nối đặc biệt giữa Báo Thiếu niên Tiền phong thuở ấy với trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Mộc Châu, trường TH & THCS Chiềng Xuân, tôi đã bén duyên với Tây Bắc. Kể từ đó, đây là lần thứ 2 tôi mang “Ô cửa Văn học” lên với Mộc Châu.

Trại sáng tác này thành công là bởi nhận được sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, đặc biệt là sự giúp sức rất lớn từ thầy Phạm Đình Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị Mộc Châu cùng thầy Trần Minh Đức Hiệu trưởng trường TH&THCS Tây Tiến. Hai thầy đã lên chương trình cụ thể, làm công tác liên hệ cũng như chuẩn bị khâu tổ chức, hậu cần chu đáo và tỉ mẩn trước khi đón đoàn. Dù thầy Hưng ít xuất hiện tại trại nhưng luôn là người đồng hành vững chãi ở phía sau. Còn thầy Đức thì xếp hết công việc để đồng hành theo từng dấu chân của trại sáng tác, chăm chút từng bữa ăn, dự tính từng điều nhỏ bé để trong điều kiện tối thiểu, các trại viên vẫn được nhận sự chăm sóc tối ưu về cả vật chất lẫn tinh thần. Tôi biết ơn cả đất và người Tây Bắc đã dành tình cảm mến yêu trọn vẹn cho Trại sáng tác, cho văn chương và cho những giá trị cần nâng niu.

Tuy vậy, còn một lời cảm ơn đặc biệt tôi muốn gửi đến các em. Chính các cây bút nhí với tinh thần “lăn xả”, “vật lộn” với từng câu chữ đã làm nên điều kỳ diệu, làm nên giá trị và ấn tượng đặc biệt cho trại sáng tác. Không có các em, sự chia sẻ của các nhà thơ, nhà văn sẽ không có giá trị và không được tỏa sáng. Không có các em, những trang văn, những điều lấp lánh sẽ bị xếp lại trên giá sách hoặc chìm lặng trong dòng chảy của thời gian. Chia sẻ giản dị của các em: “Ngày đầu đến Mộc Châu, con nhớ mẹ muốn khóc và muốn quay về. Nhưng qua mấy ngày con đã vỡ ra nhiều thứ và con biết con phải học, phải đọc nhiều hơn để trở thành người giàu có…” hay “Cô ơi, năm sau lại tổ chức trại cho chúng con đi nhé”… chính là động lực, là lý do để chúng tôi có thể tận tụy không mệt mỏi”.

Trại sáng tác “Ô cửa văn học qua miền Tây Bắc” vừa mới khơi lên những hạt vàng từ lớp quặng ngầm đã được khép lại như vậy đấy. Sự kết thúc này lại mở ra một hướng đi mới trong việc bồi dưỡng các cây bút trẻ kế cận, tạo đà cho văn học thiếu nhi phát triển trong hiện tại và tương lai. Tại sao ta không thể đặt niềm tin và hy vọng!

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

  • Tags
Bạn đang đọc bài viết “Ô cửa văn học – Qua miền Tây Bắc” quặng ngầm và những hạt vàng lấp lánh tại chuyên mục Phóng Viên Nhỏ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Phóng Viên Nhỏ khác

Giới thiệu ẩm thực quê hương

Với mong muốn quảng bá văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, thầy Phan Vũ Nguyên cùng nhóm học sinh lớp 10 trường THCS&THPT Đông Du (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã triển khai dự án “Sản xuất muối đồng bào vùng Tây Nguyên- Muối Amrêč”

Cô Tổng - Người vun đắp phong trào

Trong tâm trí của nhiều thế hệ học sinh, cô là người nghiêm khắc, luôn giữ nét mặt uy nghiêm; học sinh chỉ nghe tiếng bước chân của cô phía ngoài hành lang là cả lớp đã phải ngồi im không ai dám làm sai quy định.

Số hóa di tích lịch sử cơ quan Trung ương Đoàn

Đoàn xã Minh Thanh (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) vừa thực hiện số hóa các di tích Trụ sở Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) và báo Tiền Phong - Thiếu niên (nay là báo Tiền Phong, báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng).