Ở nơi VNEN gặt hái - Kỳ 2

Minh Huấn
TNTP - Ý kiến các phụ huynh trường THCS Nghĩa Tân về VNEN.

 

Bác Lê Trinh, giảng viên đại học, phụ huynh Bảo Linh (lớp 9A6): “Từ khi con vào lớp 6, mẹ cháu đã rất đắn đo khi lựa chọn cho con học công lập hay dân lập vì mẹ muốn cho con được phát triển toàn diện, không chỉ là học chữ, không bị áp lực điểm số. Mẹ đã quyết định cho con vào VNEN.

Sau gần 4 năm, mẹ hoàn toàn hài lòng với lựa chọn của mình. Con phát huy được hết thế mạnh cá nhân… Hơn hết, con dám nói thẳng, nói thật, yêu bạn bè và thầy cô, yêu thích mô hình con đang trải nghiệm… Mẹ cũng làm nghề giáo nhận thấy đây là mô hình rất cần được nhân rộng.

Điểm hạn chế của mô hình là rất cần sự tâm huyết vô bờ bến, năng lực sư phạm của các thầy cô, sự hiểu thấu đáo của các nhà quản lý, cái nhìn toàn diện của phụ huynh mới tạo được thành công. Và lớp 9A6, trường THCS Nghĩa Tân là một trường hợp thành công do hội tụ được những điều đó”.

Bác Trần Nam Vân, phụ huynh học sinh Nguyễn Thanh Tâm (9A6): “Có rất nhiều điều mình thấy con khác với con của bạn bè mình đang học lớp truyền thống (thầy đọc, trò chép – tác giả). 1/ Con luôn chủ động sắp xếp mọi kế hoạch mà không cần mẹ giục làm cái này đi, làm cái kia đi… 3/ Con có lập trường rất vững vàng và kiên định dứt khoát… tôi thấy trong cuộc sống đây là điều rất cần thiết…

Hơn tất cả, tôi cảm ơn thầy cô giáo của con đã không chỉ dạy con kiến thức mà còn dạy cho con rất nhiều kỹ năng sống, phẩm chất cần thiết để bước tiếp trên đường đời”.

Tâm sự của bác Nguyễn Thị Tuyết Thanh trên Zalo với cô giáo chủ nhiệm lớp 9A6 về VNEN.

Bác Nguyễn Thị Tuyết Thanh, phụ huynh học sinh Vũ Nguyên Gia Bảo (9A6): “Thầy cô luôn tạo cảm hứng trong tiết học sôi nổi và thân mật giữa thầy và trò (điều này khác hẳn với chương trình học truyền thống). Bài học không quá nặng nề nên các con có nhiều thời gian cho việc học năng khiếu, kỹ năng sống và thể thao. Nếu trường còn tiếp tục dạy theo mô hình VNEN thì mình vẫn cho bé thứ hai của mình theo học”.

Giờ “Giáo dục công dân” áp dụng VNEN ở lớp 9A6. Rất giống những giờ học của các nước phát triển (không cần học sinh ngồi ngay ngắn, thẳng hàng). Thể hiện việc tiếp thu bài và sáng tạo được bộc lộ tích cực.

Bác Bùi Thu Hằng, phụ huynh học sinh Châu Anh (6SB2): “Con hào hứng với việc đến trường học tập. Tích cực tra cứu thông tin để làm bài tập về nhà. Hay chia sẻ với mẹ về những niềm vui, công việc của lớp như làm việc nhóm, diễn kịch... Và mẹ thấy con rất happy với điều đó. Con say sưa kể về các bạn trong lớp. Mẹ Châu Anh nghĩ rằng những hoạt động nhóm ở trên lớp giúp các con hiểu và hoà đồng với nhau. Kết luận: Mô hình các thầy cô đang áp dụng cho các con đang có tác dụng rất tích cực. Kết quả học tập chắc sẽ ngày một tiến bộ hơn. Cảm ơn các Thầy Cô rất nhiều!”.

Cần một chương trình truyền thông cho VNEN

Sự thật là không có phụ huynh nào có con đang được theo học VNEN và con em họ phàn nàn, chê bai nó. Tất cả đều đang bị nó “mê hoặc”. Thấy rõ là VNEN ưu việt hơn hẳn kiểu “thầy đọc, trò chép” truyền thống lâu nay đã làm cho các nhà trường bị lạc hậu.

Tất cả các thầy cô đang áp dụng VNEN thì đều cho rằng dạy bằng phương pháp này rất thú vị, chẳng tốn kém gì và hiệu quả thì rất cao. Những thầy cô đi thực tế ở nước ngoài về cũng đều nhận thấy rằng nước người ta cũng dạy cho học trò theo kiểu VNEN thôi. Và ở nước họ mô hình này được chấp nhận như một điều đương nhiên, khỏi phải bàn cãi làm gì. Và ai cũng sẽ trố mắt nếu bây giờ còn áp dụng “thày đọc, trò chép”.

Cần thấy rõ rằng hiện nay các thầy cô dự thi giáo viên dạy giỏi các môn đều phải áp dụng mô hình giảng dạy VNEN. Không có giám khảo nào chấm cho thầy cô dạy theo kiểu truyền thống “thầy đọc, trò chép”, hay nói cách khác, “thầy đọc, trò chép” không có cửa để tham gia cuộc thi này. Vậy thì sao tinh thần của cuộc thi lại không được đem vào áp dụng trong thực tế?! Nhiều người cho rằng thường trước một cái mới người ta chưa dễ tiếp thu.

Một sự thật là từ nhiều năm nay, không ít trường tư thục đã chủ động áp dụng VNEN vào các chương trình dạy và học và giành được những kết quả tốt đẹp, được cha mẹ và bản thân các học sinh tin tưởng và cổ vũ như các trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Lomonosov (Hà Nội)… Hồng Hà, Ngô Thời Nhiệm (TP Hồ Chí Minh)... Hay nói cách khác, trong khi các trường công lập còn lúng túng với VNEN, thì các trường tư đã nhạy bén và “chớp thời cơ” áp dụng VNEN không cần tuyên bố ồn ào và họ đã thu lợi nhuận.

Các trường cao đẳng, đại học sư phạm của chúng ta đã từng đề cập tới cách học này từ những năm trước ngày 30-4-1975 cho sinh viên nhiều thế hệ (chỉ có điều không gọi là VNEN mà thôi). Trường thiếu sinh quân do Bác Hồ chỉ đạo thành lập cách đây 70 năm đã từng áp dụng cách dạy và học này và đã cho ra lò là những cán bộ giỏi giang, những nhà khoa học tài ba, những cán bộ lãnh đạo không ai bị kỷ luật vì thu vén, tư lợi cho bản thân.

Tiêu chuẩn đề ra là mỗi lớp VNEN chỉ nên 35 học sinh trở xuống, trong khi các lớp học của ta thường trên dưới 40 học sinh và thậm chí còn cao hơn thế. Tuy nhiên đó không phải là trở ngại để các lớp không thể áp dụng VNEN. “Các thầy cô dẫn dắt bài giảng có thể linh hoạt bằng những thủ thuật sư phạm đơn giản vẫn có thể khắc phục và đưa phương pháp tiên tiến này vào chương trình”. – Cô giáo Trần Thị Minh Hải, trường THCS Nghĩa Tân cho biết.

Nhiều phụ huynh đang còn nghe ngóng xem VNEN ra sao thì mới gửi con cho VNEN bởi họ bị thiếu thông tin. Thiết nghĩ, Nhà nước và báo chí nên chú trọng vào việc tuyên truyền cho VNEN để giúp các phụ huynh hiểu được giá trị của nó.

Hãy quan tâm VNEN vì tương lai con em chúng ta.

Cô Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Tân, Nguyễn Mỹ Hảo, người có rất nhiều tâm huyết với VNEN, tâm sự: “Lúc này tuyên truyền tích cực về đổi mới phương pháp, tổ chức dạy học theo mô hình trường học mới là thiết thực chuẩn bị sẵn sàng cho việc đổi mới giáo dục phổ thông trong thời gian tới”.

Tin vui cho các học sinh và xã hội: từ năm học 2020-2021, ngành Giáo dục sẽ cho áp dụng phương pháp giảng dạy mới như kiểu VNEN vào chương trình của tất cả các lớp, các cấp học phổ thông. Rất mong các thầy cô giáo cố gắng, xã hội cùng ủng hộ để chương trình đạt được kết quả tốt nhất, góp phần quan trọng xây dựng nên những thế hệ con người Việt Nam mới phù hợp với sự phát triển của nhân loại.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Ở nơi VNEN gặt hái - Kỳ 2 tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Học sinh tìm hiểu Thủ đô Hà Nội qua những trang sách

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), cô và trò trường Tiểu học Dịch Vọng A đã tổ chức Ngày hội tuyên truyền và giới thiệu sách với chủ đề "Phát huy hào khí Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" và Hội thi tổ chức “Hội thi trưng bày và giới thiệu sách”.

Aerobic lấp lánh ánh vàng

Đội tuyển Aerobic trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội đã xuất sắc giành 2 Huy chương Vàng tại Hội khỏe Phù Đổng cấp Quận lần thứ X năm 2024.

Tấm lòng của giáo viên với học trò

Ở trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) với tấm lòng yêu mến trẻ thơ, các thầy cô luôn hỗ trợ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.