Giữa Sài Gòn tấp nập có một quán cafe không tiếng động vẫn lặng lẽ tồn tại dù ít người biết đến. Đó là Quán Của Thời Thanh Xuân, nơi các nhân viên phục vụ đều mắc bệnh câm điếc bẩm sinh.
Quán nằm trên đường Trương Quốc Dung, bề ngoài không có gì khiến người khác phải chú ý tới. Nó như hòa mình vào các căn nhà xung quanh. Lần đầu tiên đến đây sẽ thật khó để nhận ra do quán không có biển hiệu. Phía trước có một khoảng sân nhỏ cho khách để xe.
Mỗi một bạn trẻ làm việc tại quán đều mang một câu chuyện riêng, điểm chung của họ là luôn niềm nở, mỉm cười hạnh phúc. Là một nhân viên phục vụ tại quán, anh Nam Anh (29 tuổi) cho biết bản thân từng gặp nhiều khó khăn. Trước khi đến đây làm việc, anh từng theo bạn học buôn bán nhưng do giao tiếp khó khăn nên thất bại.
Cảm thấy bất lực, suy sụp khi gần 30 tuổi mà bản thân vẫn chưa ổn định. Nhưng cuộc đời anh đã thay đổi khi thấy thông tin tuyển dụng của quán cho người khiếm thính 3 tháng trước. Anh đã không ngần ngại gửi hồ sơ và may mắn đó là một quyết định đúng đắn.
Nam Anh chia sẻ qua ứng dụng điện thoại: "Mỗi ngày đi làm mình đều cảm nhận được bản thân đang hít thở không khí bình yên, vui vẻ vì quen nhiều bạn mới và có đồng nghiệp để chia sẻ. Với mình đây là một môi trường làm việc tốt cho người khiếm thính". Anh cũng thổ lộ, trong tương lai gần mong muốn mở được một quán cafe tương tự để giúp đỡ những người trẻ đồng cảnh ngộ.
Điểm khác biệt của quán là menu không ghi rõ số tiền, chỉ có vài hình minh họa sinh động, đáng yêu. Khách hàng đến quán sẽ gọi đồ uống mà bản thân mong muốn, khi thanh toán có thể tùy ý trả tiền "theo sự hài lòng" rồi bỏ chúng vào chiếc hộp có sẵn trên kệ. Ở đây không lắp camera, nhân viên cũng chẳng bao giờ để ý khách hàng xem đã trả tiền hay chưa.
Theo lý giải của anh Võ Thành Luân (34 tuổi, chủ quán), việc để khách tự trả tiền đều xuất phát từ niềm tin mãnh liệt vào sự hào sảng của người Sài Gòn. Với anh, ngoài việc mong muốn nơi đây trở thành ngôi nhà chung hỗ trợ các bạn khuyết tật học nghề, phát triển có ích cho xã hội thì đây còn là nơi dừng chân nếu ai đó đang mệt mỏi giữa Sài Gòn.
Biết đến quán nhờ cô bạn thân, Đăng Quang (24 tuổi, sinh viên) còn thường ghé tới quán vì muốn tìm một không gian yên tĩnh để học bài. "Khá bất ngờ khi lần đầu ghé quán, mình cảm thấy rất thoải mái. Nụ cười của các bạn nhân viên phục vụ cũng giúp mình nhận ra cuộc đời này thật dễ thương và mình còn may mắn quá. Mô hình cafe như này rất ý nghĩa vì có thể giúp người khiếm khuyết trở nên có ích và hạnh phúc hơn", Đăng Quang cho biết.
Quán Của Thanh Xuân được anh chủ thiết kế một bức tường lớn để dán những chiếc giấy note của khách hàng khi tới quán. Ở đó, mỗi lời nhắn đều là một câu chuyện đời thường, giúp bạn cảm nhận được nhiều điều đáng yêu trong cuộc sống. Mô hình này hiện đang được xây dựng tại các địa điểm du lịch nổi tiếng. Một số quán cũng tổ chức đào tạo, dạy nghề cho người khiếm khuyết giúp họ định hướng lại cuộc sống và ổn định kinh tế.