Sáng chế giấy phát hiện chất bảo quản của học sinh lớp 11

Việt Chinh (Tổng hợp)
Với củ nghệ tươi, cồn 96 độ và giấy lọc, hai học sinh lớp 11 đã nghiên cứu, thí nghiệm để sáng chế ra loại giấy có thể phát hiện được chất hàn the, formol, ure trong thực phẩm.

Giấy phát hiện chất bảo quản trong thực phẩm bẩn là sáng chế của hai bạn học sinh Phương Dung và Quốc Huy ( lớp 12B2 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế). Với sáng chế này, hai bạn đã giành được giải nhì Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019.

Theo Tuổi trẻ Online, Phương Dung chia sẻ về ý tưởng ban đầu về đề tài này: “Mình thấy báo đài, tivi nói rất nhiều về chuyện thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường. Làm sao để mỗi người chúng ra đều có thể tự kiểm tra thực phẩm ăn hàng ngày có chất bảo quản hay không một cách đơn giản nhất?”

Phương Dung và Quốc Huy cùng sản phẩm giấy phát hiện chất bảo quản trong thực phẩm bẩn - Ảnh: NHẬT LINH (Báo Tuổi Trẻ)

Dung và Huy cùng tìm hiểu từ nhiều sách vở, tham vấn thêm ý kiến của các thầy cô và tìm ra trong củ nghệ tươi có thành phần hóa học tên curcumin. Chất này sẽ chuyển từ màu vàng sang đỏ khi gặp hàn the. Vậy nên, hai bạn quyết định bắt đầu thí nghiệm để tạo ra giấy thử hàn the từ nghệ tươi. Củ nghệ được gọt sạch vỏ, giã nhuyễn rồi pha với cồn 96 độ. Dùng giấy lọc ngâm vào trong hỗn hợp đó trong vài phút rồi sấy khô. Lý do phải dùng giấy lọc thay vì giấy thường bởi vì giấy thường đã bị pha chất tẩy trắng nên không đảm bảo độ chính xác khi thử. Trong công đoạn sấy khô giấy lọc thì phải dùng máy sấy tóc chứ không được phơi nắng vì như vậy sẽ khiến bề mặt giấy bị loang lổ do độ ẩm.

Trong quá trình nghiên cứu, Dung và Huy còn thấy rằng giấy thử có thể phát hiện bằng cách đổi màu đối với các chất như ure và formol có trong thịt, cá bẩn. Để bảo quản thịt, cá được lâu, trông tươi ngon thì phải ngâm hóa chất nhưng quá trình phân hủy vẫn âm thầm diễn ra bên trong và sản sinh ra amoniac (NH3) khi gặp curcumin sẽ gây đổi màu.

Khi tìm tòi, nghiên cứu và thử nghiệm để sáng chế ra loại giấy thử này, Dung và Huy cũng gặp những khó khăn nhất định. Các bạn phải tiếp xúc với hóa chất độc hại thường xuyên trong phòng thí nghiệm, đôi khi gặp tình trạng choáng váng.

Chia sẻ trên Tuổi trẻ Online, thầy Nguyễn Văn Lộc - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho rằng giấy phát hiện chất bảo quản trong thực phẩm bẩn là sáng chế rất hữu ích, thiết thực trong đời sống hàng ngày và hy vọng có ngày nó sẽ được sử dụng rộng rãi trên thị trường.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Sáng chế giấy phát hiện chất bảo quản của học sinh lớp 11 tại chuyên mục Học đường của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Học đường khác

Việc làm tốt của Nhật Phương

Trong lớp 4A, trường Tiểu học Ngọc Liệp (huyện Quốc Oai, Hà Nội), cô bạn Bùi Nhật Phương nổi bật với vẻ ngoài xinh xắn, giọng nói nhỏ nhẹ, thân thiện.