Trong hành trình tiếp cận, Parker vận hành hoàn toàn tự động với bốn thiết bị khoa học được lập trình để thu thập dữ liệu từ bên trong vành nhật hoa – lớp khí quyển ngoài cùng của Mặt Trời. Ngày 25/3, tàu gửi tín hiệu xác nhận về Trái Đất cho thấy hệ thống vẫn “khỏe mạnh” và mọi thiết bị hoạt động bình thường.

“Chuyến bay thứ hai này tiếp tục mở ra cơ hội quan sát chưa từng có về gió Mặt Trời và các hiện tượng liên quan,” NASA thông báo.
Các nhà khoa học kỳ vọng dữ liệu từ Parker sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về thời tiết không gian – yếu tố có thể ảnh hưởng đến hệ thống vệ tinh, viễn thông và điện lưới trên Trái Đất. Một trong những câu hỏi lớn nhất mà Parker đang giúp giải mã là: vì sao vành nhật hoa lại nóng hơn bề mặt Mặt Trời hàng trăm lần, dù nằm xa lõi hơn?
“Parker đang viết lại sách giáo khoa khoa học Mặt Trời, bởi đây là vật thể nhân tạo đầu tiên đến được vùng gần ngôi sao của chúng ta đến vậy,” quyền Giám đốc NASA Janet Petro khẳng định.
Để thực hiện được kỳ tích này, tàu Parker được trang bị tấm chắn nhiệt công nghệ cao, bảo vệ thiết bị điện tử và cảm biến khoa học khỏi sức nóng khủng khiếp. Nhờ đó, dù đối mặt trực tiếp với Mặt Trời, các bộ phận bên trong tàu vẫn giữ ở mức nhiệt độ phòng.
“Đây từng là nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi suốt hơn 60 năm qua. Nhóm phát triển tàu Parker đã vượt qua hàng loạt thách thức công nghệ để hiện thực hóa nó, góp phần nâng tầm năng lực bay vào không gian của Mỹ,” Giám đốc Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins, ông Ralph Semmel chia sẻ.
Parker được phóng lên quỹ đạo từ năm 2018 và dự kiến sẽ thực hiện thêm một chuyến bay “liều lĩnh” nữa vào ngày 19/6 năm nay – tiếp tục bay sát Mặt Trời với tốc độ và khoảng cách tương tự.