Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ với giáo viên phù hợp”

TP
Ngày 18/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội kết nối tới 63 tỉnh, thành phố.

Tham dự Hội nghị có bác Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ; bác Trần Hồng Hà - Ủy viên T.Ư Đảng – Phó Thủ tướng Chính phủ; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan – Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Nhà giáo Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên T.Ư Đảng – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và địa phương.

Nhiều thành tựu đạt được trong năm học 2022-2023

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong năm qua ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo yêu cầu của Nghị quyết 29. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tiếp tục được củng cố, duy trì với các chỉ tiêu thành phần được nâng cao. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, thí sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đạt thành tích cao.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 đảm bảo nghiêm túc và an toàn; kết quả thi bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh.

Đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng; tình trang thừa, thiếu giáo viên đã có thêm giải pháp khắc phục. Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào chiều sâu, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định. Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh.

Hội nghị có sự tham gia của nhiều chuyên gia, quản lý giáo dục.

Tuy vậy vẫn còn một số hạn chế, cụ thể như tình trạng thiếu giáo viên; tình trạng thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học tại các thành phố lớn, các khu đông dân cư; công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả; tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong dư luận.

Đây cũng là những khó khăn chung được các tỉnh, thành đề cập trong các biểu tại Hội nghị. Điển hình như thiếu giáo viên ở các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật; cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học; thiếu trường học ở các thành phố lớn,...

Nhiều ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Sau khi nghe các báo cáo của ngành GD&ĐT các cấp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương những thành tựu quan trọng đạt được của ngành GD&ĐT trong năm học 2022-2023, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực của toàn Ngành. Đồng thời chỉ ra những hạn chế cần tiếp tục khắc phục trong thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; tình trạng thừa, thiếu giáo viên; chính sách, chế độ đãi ngộ cho giáo viên…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta; là vấn đề đặc biệt quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có phạm vi tác động lớn nên cần đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện.

Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp. Công tác xây dựng và triển khai kế hoạch đổi mới giáo dục đào tạo phải được thực hiện khoa học, bài bản, kĩ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn. GD&ĐT phải bám sát tư tưởng: lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực; vận hành hiệu quả mối quan hệ “Nhà trường, Học sinh, và Giáo viên”; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh.

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới GD&ĐT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo.

Thủ tướng yêu cầu tổ chức tốt việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của T.Ư về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra; Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp; Đẩy mạnh tự chủ giáo dục và tiếp tục rà soát, kiểm tra việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học,...

Hội nghị nhận được nhiều đóng góp tích cực từ các chuyên gia giáo dục.

Thủ tướng cũng không quên gửi lời động viên đến các học sinh, sinh viên trên toàn quốc. “Mỗi cháu học sinh, sinh viên cần nỗ lực phấn đấu, học tập và rèn luyện; tích cực, tự giác, chủ động và sáng tạo nhiều hơn trong các hoạt động giáo dục và học tập. Phải biết đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau; không ngừng rèn luyện để trở thành con ngoan trò giỏi - không phụ công nuôi dưỡng của gia đình, sự dạy dỗ của các thầy cô cũng như kỳ vọng của xã hội”, bác Phạm Minh Chính nói.

Trước thềm năm học mới 2023-2024, Thủ tướng chúc các cán bộ làm công tác quản lý, các thầy giáo, cô giáo luôn phát huy lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề, khắc phục mọi khó khăn, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước.

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ với giáo viên phù hợp” tại chuyên mục Học đường của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Học đường khác

Ngôi trường có nhiều cuộc thi vui

Mùa hè vừa qua, trên cánh đồng rạ thơm Diên Điền nơi thành cổ Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) đang rợp những cánh diều lớn nhỏ bay lượn, phóng viên (PV) báo Đội gặp rất nhiều “tay diều” nhỏ đáng yêu.

Ngôi trường của tình yêu thương và sự gắn kết

“Mái nhà đầy tình yêu thương” là cụm từ quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) mỗi khi nhắc đến trường mình. Nơi đây không chỉ là môi trường giáo dục kiến thức chất lượng mà học trò còn được nuôi dưỡng tâm hồn bằng tình yêu thương, sự gắn kết và những giá trị sống tốt đẹp.

Những măng non gìn giữ ca trù

Gieo những “hạt giống” văn hóa với mong muốn hạt giống nảy mầm, trở thành những “bóng cây” xanh tốt. Đó là tấm lòng của các thầy cô giáo trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân, TP. Hải Phòng) quan tâm tới Câu lạc bộ (CLB) ca trù An Biên của nhà trường.

"Đại sứ nhí" yêu quê hương

Dáng người nhỏ nhắn, nụ cười tỏa nắng và giọng nói ngọt ngào là những ấn tượng đầu tiên của mọi người khi lần đầu gặp bạn Bùi Minh Ánh (lớp 5A1, trường Tiểu học Quang Trung, Gia Lâm, Hà Nội) – học sinh đã xuất sắc giành giải Nhì tại cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội" năm 2024.

Học sinh từ mầm non đến lớp 12 tại Vĩnh Phúc được miễn học phí

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm học 2024 - 2025.

Những "mầm non" tiếp nối tinh thần yêu nước

Tìm hiểu về các vị Anh hùng của đất nước, thiếu nhi cảm nhận được sự hào hùng và dũng cảm của các thế hệ đi trước. Chúng mình cùng nghe tâm sự của các bạn học sinh về “Người Anh hùng mãi mãi tuổi 17”- Lý Tự Trọng nhé!