Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên là 1 trong 7 người thầy đã sáng lập nên Trường Âm nhạc VN, cái nôi của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hiện nay.
Nghệ sĩ, Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên trong vòng tay học trò.
Một trích đoạn ngắn của bộ phim tài liệu do các nhà làm phim Mỹ thực hiện về nghệ sĩ Thái Thị Liên lần đầu tiên được giới thiệu. Đoạn phim đưa người xem quay ngược về quá khứ, trở lại thời kỳ lịch sử đau thương và cũng đầy anh hùng của đất nước. Lúc đó, nhà giáo Thái Thị Liên cùng học trò đi sơ tán. Dù địch có bắn phá thế nào, thì dưới căn hầm trú ẩn, tiếng đàn piano vẫn cứ vang lên. Cùng sự dìu dắt của người thầy, những tài năng âm nhạc đã lớn lên như thế.
Biết bao những người học trò thuộc nhiều thế hệ, cùng những người bạn đã trở về bên người thầy, người nghệ sĩ mà họ vẫn gọi đầy yêu thương là “má Liên”. Trên sân khấu, người nghệ sĩ, người thầy - năm nay đã bước sang tuổi 100, lướt tay trên phím đàn dương cầm đầy say mê. Tiếp sau đó là phần trình diễn của những học trò của bà - NSƯT Trần Tuyết Minh, NSƯT Hoàng Kim Dung, con gái - GS, Nhà giáo nhân dân Trần Thu Hà, cháu ngoại Đan Thu Nga và con trai - NSND Đặng Thái Sơn.
NSND Đặng Thái Sơn là con trai và cũng là người học trò xuất sắc nhất của Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên. Ông trình diễn các tác phẩm mà như ông nói, mang ý nghĩa, kỷ niệm gắn liền với người mẹ, người thầy. Đó là bản Polonaise Son thứ - tác phẩm đầu tay của F.Chopin và cũng là bài tập đầu tiên với nhạc của Chopin mà ông được học lúc 9 tuổi tại nơi sơ tán; 2 tác phẩm Jeux d‘eau và Alborada del Gracioso của Ravel, trong đó một tác phẩm về chủ đề nước với ý nghĩa “nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”; và một tác phẩm của Liszt vì mang hình ảnh mẹ trong mắt ông: “Một người phụ nữ sắt đá, hét ra lửa, nhưng sao chuyện tình cảm, tình duyên lại trắc trở, mụ mị”.
Theo Thanhnien