Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 là một kênh, một cổng giao tiếp đặc biệt, là một trong những dịch vụ công thành lập theo quy định của Luật Trẻ em 2016, chịu sự quản lý của Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Truyền thông thuộc Cục Trẻ em.
Những nhiệm vụ trọng yếu của tổng đài: Tiếp nhận thông báo, tố giác qua điện thoại; Liên hệ, khai thác thông tin về nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em; Chuyển, cung cấp thông tin, thông báo, tố giác hoặc giới thiệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em; Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để đáp ứng việc tiếp nhận, trao đổi, xác minh thông tin, thông báo, tố giác về trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; Hỗ trợ người làm công tác bảo vệ trẻ em; Tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, người chăm sóc trẻ em,…
Hiện nay tổng đài 111 là thành viên của mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Lực lượng nòng cốt của mạng lưới gồm có Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội), Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công An), Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông). Ngoài ra còn có những doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và một số tổ chức khác.
Thông qua mạng lưới này, các bộ, ban, ngành, các cơ quan, tổ chức kết hợp, liên kết với nhau để tiến hành xử lý, gỡ bỏ những thông tin độc hại một cách kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phối kết hợp với các bộ, ban, ngành tiếp nhận và xử lý thông tin về các vụ việc bảo vệ trẻ em.