Tin giáo dục hôm nay được biết, trong buổi tiếp xúc cử tri ngành y tế của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vào sáng 9/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Bộ Y tế đang xây dựng các hướng dẫn, dự kiến trong tháng 10.2021 sẽ bắt đầu triển khai tiêm vắc xin phòng covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi trước, sau đó sẽ mở rộng ra các nhóm tuổi thấp hơn.
Vắc xin Pfizer là loại được nhiều quốc gia sử dụng tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi
Theo vị đại diện của ngành y tế, từ nay đến cuối năm, nước ta sẽ có rất nhiều đợt vắc xin được nhập về, dự kiến tối thiểu là 120 triệu liều. Với số lượng lớn vắc xin Pfrizer sẽ tiếp tục ưu tiên tiêm cho đối tượng là trẻ em và người cao tuổi.
Tiếp đó, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết trong chuyến thăm hữu nghị Cuba, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có đề nghị về nguồn cung ứng vắc xin và Việt Nam hiện đang chờ nước bạn anh em sớm gửi hồ sơ cụ thể về loại vắc xin tiêm cho trẻ em để xem xét.
Với nguồn vắc xin dự kiến nhập về từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ thực hiện tiêm phủ mũi 1 cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Theo số liệu của ngành y tế cho biết Việt Nam hiện có khoảng 25 triệu trẻ em và hiện chúng ta đã đặt mua hàng chục triệu liều vắc xin Pfizer của Mỹ và vắc xin Abdala của Cuba. Đây là 2 loại vaccine đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng để tiêm chủng cho trẻ em.
UBND TP.HCM dự kiến, đầu tháng 1/2022, toàn bộ trẻ em trên địa bàn thành phố sẽ được quay trở lại trường học trực tiếp. Do đó, theo tính toán, chúng ta sẽ còn khoảng 3 tháng để thực hiện tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho trẻ em.
Trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ 4, trẻ em Việt Nam là đối tượng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi có rất nhiều em bị mắc Covid-19. Thậm chí có cả trẻ sơ sinh mới được vài tháng tuổi cũng trở thành F0.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu đại dịch đến nay, Việt Nam đã có hơn 15.000 trẻ em bị mắc Covid-19, trong đó đã có 13 trường hợp tử vong, chiếm tỷ lệ 0,1%, chủ yếu là tại TP.HCM. Tính đến đầu tháng 9.2021, TP.HCM đã điều trị cho gần 14.800 trẻ em dưới 16 tuổi bị mắc Covid-19, trong đó có 12.000 em đã khỏi bệnh. Hiện vẫn còn hơn 2.800 ca đang được điều trị tại các trung tâm y tế thành phố.
Tại Hà Nội, trong đợt bùng phát dịch thứ tư, số ca nhiễm là trẻ em cũng tăng lên nhanh chóng. Bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết thời gian vừa qua đã có hàng trăm bệnh nhi phải nằm viện điều trị vì mắc Covid-19-19, trong đó có cả em bé sơ sinh mới chào đời.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và ghi nhận ở nhiều quốc gia thì bệnh Covid-19 ở trẻ em ít có diễn biến nghiêm trọng. Trong số những ca bị Covid-19 nặng, trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi chỉ chiếm khoảng 2-4,8%. Tuy nhiên, về lâu dài, trẻ em sẽ phải chịu những ảnh hưởng không tốt về sức khỏe nếu bị nhiễm bệnh. Đặc biệt, những trường hợp trẻ em có bệnh lý nền, tình trạng sẽ nặng hơn nếu mắc Covid-19.