Tin giáo dục hôm nay 5/10: Xung quanh vấn đề giáo dục khuyên nhủ, đâu là giải pháp tốt nhất để dạy dỗ con trẻ

An Hảo
Tin giáo dục hôm nay: Trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội nổi lên những tranh luận xoay quanh vấn đề “giáo dục khuyên nhủ”. Có người cho rằng giáo dục bằng cách khuyên nhủ là đang hủy hoại dần con trẻ. Có người lại cho rằng giáo dục bằng đòn roi là tổn thương tinh thần lẫn thể chất của trẻ.

Từ xưa đến nay, việc dạy dỗ và giáo dục con trẻ vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của các gia đình. Đặc biệt là trong xã hội hiện đại ngày nay, khi các gia đình đang có xu hướng sinh ít con thì việc giáo dục lại càng được coi trọng nhiều hơn.

Khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người ngày càng được nâng cao thì xu hướng “chiều hóa” trẻ con trong việc dạy dỗ đang trở nên phổ biến trong hầu hết các gia đình ở Việt Nam.

Trong những ngày này, trên mạng xã hội đang tranh luận rất gay gắt về quan điểm “giáo dục khuyên nhủ” của Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học- ĐH Sư phạm Hà Nội. Nói về vấn đề này, TS Nguyễn Thu Hương cho rằng: Giáo dục bằng khuyên nhủ không phạt là đang hủy hoại dần con trẻ.

Đứng ở góc độ khoa học tâm lý thì nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng vấn đề này cần được xem xét lại nhưng đa phần các bậc phụ huynh lại “thả cơn mưa lời khen”. 

Nữ tiến sĩ giáo dục cho rằng, trong quá trình nuôi dạy con trẻ, nếu không phạt, trẻ sẽ hình thành tâm lý coi thường cha mẹ, người lớn và xem thường mọi luật lệ, phép tắc.

Giáo dục khuyên nhủ - Cần nhưng chưa đủ

Trên diễn đàn chia sẻ, phần lớn phụ huynh đều đồng tình với quan điểm giáo dục khuyên nhủ mà không răn đe, nghiêm khắc sẽ khiến trẻ dễ bị hư hỏng, xem nhẹ mọi vấn đề. Nếu chỉ nói lý thuyết suông mà không có biện pháp trừng phạt áp dụng trong trường hợp trẻ vi phạm thì khả năng trẻ tái phạm là rất lớn.

Độc giả Phương Nguyên cho rằng: Giáo dục con trẻ chỉ khuyên nhủ thôi thì chưa đủ và không có tính răn đe vì vốn dĩ có những trẻ chỉ cần nói là sẽ hiểu nhưng cũng có những trẻ để lời nói của người lớn ở ngoài tai, “nước đổ lá khoai” trẻ không cảm thấy sợ nên có thể tái phạm lại ngay sau đó. Phải làm thế nào để cho trẻ biết sợ và không vi phạm mới là điều quan trọng.

Độc giả Hữu Bình lại cho rằng: Việc sử dụng đòn roi với con trẻ sẽ tạo ra những tổn thương về tinh thần và thể chất của trẻ dẫn đến sự chai lì về cảm xúc. Nếu sử dụng đòn roi nhiều quá trẻ sẽ không còn biết sợ nữa và không thể dạy bảo được.

Độc giả Kim Nguyên cho rằng: Lớp trẻ bây giờ được chiều quá, ít có sự rèn giũa trong hoàn cảnh thực tế nên có chiều hướng xuống cấp về đạo đức. 

Độc giả Thanh Tủy cho rằng: Bây giờ gia đình nào cũng sinh ít con nên việc dạy dỗ được coi trọng nhưng vẫn không tránh được tình trạng cha mẹ quá nuông chiều con dẫn đến trẻ hình thành thói quen hưởng thụ, không bị đòn roi, không chịu cực khổ nên không biết chia sẻ và thấu hiểu, không có lòng trắc ẩn.

Ý kiến của chuyên gia 

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội) cho rằng: "Không thể kết luận rằng, giáo dục bằng lời khuyên là phản tác dụng mà phải xem xét cách thức đưa ra lời khuyên có đúng không, người đưa ra lời khuyên có phải là tấm gương xứng đáng không, mối quan hệ giữa người đưa ra lời khuyên và người nhận lời khuyên có gần gũi, chân thành với nhau hay không.

Việc cha mẹ giáo dục con bằng lời khuyên, con không nghe, thậm chí làm trái thì không phải là lời khuyên không có tác dụng dụng mà chính là vì bản chất mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không tốt.

Ông Ngô Minh Uy, Giám đốc Công ty Tâm lý chuyên nghiệp WE Link, Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TP.HCM cũng bày tỏ ý kiến về quan điểm cách dạy trẻ trên đây của TS Vũ Thu Hương.

"Lâu nay nhiều người có thói quen la mắng và trừng phạt đứa trẻ với mục đích khuất phục chúng bằng sự sợ hãi. Nếu điều này đã được nội tâm hóa khiến chúng vô cùng thụ động và không có được lòng tự tôn khỏe mạnh thì chúng ta cũng đừng mong bọn trẻ trở thành những "công dân toàn cầu" dám có ý kiến hay quan điểm của bản thân". 

Vị chuyên gia này lý giải, cách thức giáo dục kỷ luật chung quy là làm cho đứa trẻ sợ hãi mà thay đổi hành vi theo ý người lớn. Tuy nhiên, một con người phát triển khỏe mạnh và lộ ra hết được các tiềm năng của chính người đó, chứ không phải nghe lời theo chuẩn mực của người khác hay xã hội.

Chúng ta không thể mang cách giáo dục ngày xưa để áp dụng lên con trẻ ngày nay mà cần có sự chọn lọc tinh tế và tùy cơ ứng biến trong từng hoàn cảnh cụ thể.

Vấn đề đặt ra là:

Giáo dục bằng khuyên nhủ thì giá trị và tác dụng của sự khuyên nhủ ấy là gì? Có phù hợp với hoàn cảnh và độ tuổi của trẻ không? Chẳng hạn tâm lý của trẻ từ 1-5 tuổi sẽ khác trẻ từ 6-12 tuổi. Khi nào chúng ta nên áp dụng giáo dục trẻ bằng khuyên nhủ hoặc kết hợp cả khuyên nhủ lẫn răn đe.

Đôi khi cha mẹ hoặc thầy cô cũng cần có những hình thức nghiêm phạt và răn đe trong trường hợp trẻ làm sai hoặc vi phạm quy định, nguyên tắc. Phạt là để trẻ hiểu là sai và lần sau không tái phạm và không để cái tôi của mình lên quá cao.

Một điều dễ nhận thấy là việc các thầy cô giáo trong nhà trường không được có những hình thức trách phạt học sinh. Nếu có bất kỳ một hành động nào thì ngay lập tức sẽ bị quay lại và đưa lên mạng xã hội và chịu sự lên án, đánh giá của dư luận. Điều này không chỉ tạo thêm áp lực cho người thầy ở trên lớp mà còn làm cho các thế hệ học sinh tự coi mình như “ông trời” không ai có thể chạm vào. Hiệu quả của việc giáo dục tư tưởng đạo đức chưa thấy đâu mà chỉ thấy sự thay đổi và xuống cấp của không ít bộ phận giới trẻ ngày nay.

Giáo dục và dạy dỗ con trẻ là cả một nghệ thuật, làm thế nào để trẻ biết sợ, biết tiếp thu, sửa sai, mà không gây tổn thương đến tâm lý là điều mà cha mẹ và các nhà giáo dục cần có sự linh hoạt. Tránh áp dụng một cách máy móc và khiên cưỡng sẽ dẫn đến phản tác dụng. 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.