Theo lộ trình, bộ sách giáo khoa riêng của TP. Hồ Chí Minh có thể được sử dụng từ năm học 2019. Kế hoạch thực hiện này được Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh báo cáo trong kỳ họp thứ 6 HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa IX vào sáng nay (6/12).
Báo VnExpress đưa tin, Thầy Lê Hồng Sơn ( Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh) cho biết, năm 2016 Bộ GD&ĐT có công văn cho phép Sở GD&ĐT phối hợp NXB Giáo dục thực hiện bộ sách giáo khoa riêng. "Sở đang chuẩn bị về nhân lực, có đủ chuyên gia, nhà trí thức cao cấp đứng đầu cả nước, định hướng đổi mới. Mọi dữ liệu được chuẩn bị sẵn chờ Bộ GD&ĐT phê duyệt chính thức", thầy Sơn nói.
Về tiến độ, thầy Sơn cho hay năm 2019 sẽ triển khai thí điểm. Sau đó sẽ đánh giá lại, mới ban hành chính thức.
Được biết, bộ sách này sẽ vẫn bảo đảm các quy chuẩn kiến thức, kỹ năng, bám sát khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, SGK mới sẽ khắc phục các nhược điểm của những bộ sách trước đó như kiến thức nặng tính hàn lâm, xa rời thực tiễn. Sách sẽ tinh giản về mặt kiến thức nhưng hiện đại và có tính ứng dụng cao. Về hình thức, sách cũng được cải tiến để tạo hứng thú cho học sinh.
Trong một bài tập Toán của học sinh lớp 6, ở chủ đề viết các số tự nhiên, thay vì chỉ có lý thuyết và luyện tập như trước, tài liệu này vận dụng kiến thức lịch sử là Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu vào lúc nào và nhiệm vụ của các bạn sẽ là đi tìm các số năm đó. Như vậy, trong một bài học, các bạn vừa nắm vững kiến thức Toán vừa học về Lịch Sử.. Hiện tại bộ sách này đang được áp dụng cho một số trường THCS trên địa bàn thành phố.
Để cho ra đời bộ sách giáo khoa riêng, TP. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị một ban biên soạn với hơn 100 tác giả là các nhà giáo, nhà khoa học, nhà văn, nhà quản lý giáo dục. Trên tinh thần lấy học sinh làm trung tâm, bộ sách giáo khoa mới sẽ ít đi kiến thức hàn lâm, nâng chất lượng môn tiếng Anh và có thêm những chi tiết đậm tính văn hóa, bản địa của vùng đất TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, chú ý đến phương ngữ vùng miền.
TP. Hồ Chí Minh luôn có những bước đi táo bạo trong việc cải cách, phát triển giáo dục. Nhiều phương án mới đã được Sở GD&ĐT trình lên Bộ GD&ĐT phê duyệt như việc tự tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT và mới đây là sử dụng bộ sách giáo khoa riêng.
Ngọc Hà (Tổng hợp)