Trao bản quyền bài hát “Trường em Tây Tiến” trên cao nguyên Mộc Châu

Huyền Hậu - Bảo Lâm
Sáng ngày 15/07/2023, Lễ trao bản quyền bài hát “Trường em Tây Tiến” đã diễn ra tại trường TH và THCS Tây Tiến thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La trong không khí trang trọng và đầy cảm xúc.

Cuộc hội ngộ của những người yêu trẻ

Từ Thủ đô Hà Nội tới tham dự buổi lễ có hai khách mời đặc biệt là nhạc sĩ Tiến Hùng – tác giả viết nhạc bài hát “Trường em Tây Tiến” và nhà thơ Bảo Ngọc – người tham gia sáng tác phần lời của ca khúc. Một vị khách cũng vô cùng đặc biệt đó là nhà giáo Bùi Phương Thảo – con gái nhà thơ Quang Dũng – Tác giả của bài thơ nổi tiếng đã đưa cái tên trung đoàn 52 Tây Tiến trở thành huyền thoại. Hiện nay nhà giáo Bùi Phương Thảo là người đang có nhiều hoạt động cùng các thế hệ đi sau góp sức tiếp nối tinh thần Tây Tiến.

Về phía địa phương, những người nhận bản quyền bài hát là thầy Phạm Đình Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm chính trị Mộc Châu và thầy Trần Minh Đức – Hiệu trưởng trường TH và THCS Tây Tiến cùng đại diện giáo viên, học sinh nhà trường.

  1. Nhà thơ Bảo Ngọc (thứ 2 từ trái sang) và nhạc sĩ Tiến Hùng trao Bản quyền bài hát cho Đại diện Ban Giám hiệu trường TH và THCS Tây Tiến. Ảnh Thẩm Khôi.

Bài hát vang lên – niềm tự hào mang tinh thần Tây Tiến

Khởi phát từ ý tưởng của thầy Hiệu trưởng, bài hát đã vang lên niềm tự hào về mái trường Tây Tiến, về Trung đoàn 52 anh hùng, về truyền thống lịch sử địa phương. Bài hát truyền thống của trường là một cách đặc biệt để những người lớn gieo vào lòng con trẻ một cách tự nhiên và thấm thía nhất những điều mà có lẽ rất nhiều bài học chuẩn mực trên lớp mới làm được: “Trường em bao thân thương mang tên trung đoàn Tây Tiến, trên cao nguyên Mộc Châu giữa trập trùng núi mây. Nhớ khi xưa, đoàn quân Tây Tiến vượt đường xa núi ngàn, cho hôm nay chúng em theo bước viết tiếp bài ca …”. Đó là tình yêu với thầy cô bạn bè, với ngôi trường gắn bó những năm tháng ấu thơ. Đó là tình yêu với mảnh đất quê hương, nơi mà các em lật từng hòn đá, ngọn cỏ đều thấy những dấu vết của văn hóa, lịch sử. Đó cũng là ý thức trân trọng truyền thống, trân trọng sự hi sinh của cha ông trong quá khứ. Từ đấy và từ bao điều đẹp đẽ khác nữa, lớp lớp học sinh trên quê hương Mộc Châu sẽ biết, sẽ tự hào và sẽ sống sao cho xứng đáng với tất cả những gì mình đang có.

  1. Các nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm cùng thầy trò nhà trường. Ảnh Thẩm Khôi.

Sự kết nối của những người cùng giữ lửa “Tây Tiến”

Nhà thơ Bảo Ngọc – người tham gia viết phần lời cho bài hát “Trường em Tây Tiến” bật mí: "Thầy Minh Đức - Hiệu trưởng trường TH và THCS Tây Tiến chia sẻ nguyện vọng với tôi, thầy mong muốn có một bài hát về mái trường Tây Tiến. Thầy đưa ra ý tưởng, bài hát đảm bảo được mấy tiêu chí: Giai điệu khỏe khoắn mang tinh thần, âm hưởng của Trung đoàn Tây Tiến; Lời bài hát có nhắc đến hình ảnh Trung đoàn Tây Tiến vượt gian khó trên đường xa, núi thẳm, có hình ảnh cao Nguyên Mộc Châu chập trùng núi mây. Lời càng gọn, càng dễ thuộc, dễ nhớ càng tốt.

  1. Nhà thơ Bảo Ngọc cùng nhà giáo Bùi Thảo - con gái nhà thơ Quang Dũng (ngồi giữa) cùng cô Phó Hiệu Trưởng nhà trường tại buổi lễ.

Hiểu được tâm nguyện của một người thầy tha thiết yêu thương học trò của mình, đặc biệt là niềm ấp ủ mỗi khi trò cất vang tiếng hát sẽ thêm tự hào, thêm yêu ngôi trường mình được mang tên, yêu quê hương từ những điều giản dị, tôi đã suy nghĩ về lời của bài hát rồi mời nhạc sĩ Tiến Hùng cùng tham gia viết nhạc cho bài hát. Trong vòng gần 1 tháng, qua nhiều lần tranh luận có lúc quyết liệt, cuối cùng thì bài hát mang đúng tinh thần Tây Tiến đã ra đời kịp trước dịp lễ trọng 27/07 và nhất là vào trước dịp năm học mới sẽ bắt đầu!”

  1. Khi bài hát mới thu thanh "nóng hổi" rộn ràng ngân lên, cả nhạc sĩ cùng các cô giáo và học sinh đều “phiêu”.

Vậy là ngẫu nhiên nhưng vẫn có một sự kết nối đặc biệt được hội tụ ở đây: Ý tưởng và tâm nguyện của thầy Hiệu trưởng Minh Đức; Nỗi trăn trở của một nhà thơ luôn canh cánh làm được những việc xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ cha ông; sự nghiêm túc sáng tạo của nhạc sĩ Tiến Hùng– là đồng hương của nhà thơ Quang Dũng tại (Đan Phượng, Hà Tây cũ) để từ đây bài hát được cất cánh trên môi lớp lớp thầy và trò dưới mái trường Tây Tiến.

Những lời chia sẻ ân tình và niềm vui lan tỏa

Tại buổi lễ trao bản quyền bài hát, nhà thơ Bảo Ngọc tâm tình với các bạn nhỏ: “Âm nhạc làm rung lên cảm xúc trong mỗi con người, âm nhạc gắn với chúng ta từ khi còn trong bụng mẹ và ngay ở những ngày tháng đầu tiên làm người. Những người viết chắt lọc ngôn từ từ tiếng mẹ đẻ thiêng liêng, rồi âm nhạc chắp cánh thành lời hát gửi đến mọi trái tim. Bài hát này là yêu thương dành cho các em. Hy vọng rằng, khi các em cất lên lời hát như một cách nhận lấy yêu thương, sẽ tự mình tiếp nối những yêu thương ấy trong cuộc sống của mình hôm nay và cả mãi về sau”.

  1. Đoàn dâng hương tại khu tưởng niệm Tây Tiến.

Đón nhận bài hát với tinh thần trân trọng, xúc động, Thầy Hiệu trưởng Trần Minh Đức cho biết: Tôi thật sự xúc động bởi bài hát đã mang được đúng tinh thần Tây Tiến: Giai điệu khỏe khoắn, lời ca gợi nhắc tên Trung Đoàn huyền thoại mà trường được mang tên. Đặc biệt là âm hưởng của cao nguyên gió ngàn cũng đã được ghi dấu. Trong thời gian tới, bài hát sẽ được nhà trường dựng thành video có lời phụ đề, đăng tải trên kênh Youtube để bất kì học trò nào, trong dịp nào cũng có thể dễ dàng tìm kiếm, lưu trữ, học hát hay biểu diễn. Từ hôm nay thầy trò trường tôi sẽ háo hức đợi dịp bài hát chính thức phát trên Đài truyền thanh Mộc Châu nhân dịp hướng tới 27/7 – Ngày thương binh liệt sĩ Việt Nam. Tôi tin với giai điệu hào hùng, ca từ đẹp và dễ thuộc được vang lên vào mỗi buổi chào cở, mỗi dịp lễ trọng, sẽ truyền cho học trò niềm tự hào, tình yêu quê hương mái trường để giữ cho các em kỷ niệm đẹp trong hành trang cuộc sống và trưởng thành.

Học trò Tây Tiến xin chữ ký nhà thơ Bảo Ngọc để "lấy vía may" học giỏi môn Ngữ Văn

Cũng trong hoạt động của Lễ trao bản quyền bài hát, thầy trò nhà trường và đoàn công tác đã tới dâng hương, tưởng niệm ở Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Lâm viên bia Tây Tiến, thăm Bảo tàng trung đoàn Tây Tiến vừa khánh thành và thăm Đồn Mộc Lỵ - một di tích chống Pháp kề bên khuôn viên trường học.

Nhân dịp này Nhà báo Phan Khuê - Tổng Biên tập báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng cũng gửi tặng trường TH và THCS Tây Tiến những tập sách "Hương hoa Hoàng Lan" mới xuất bản với lời nhắn gửi: "Chúc các em yêu chữ, yêu văn học để sống cuộc sóng thật đẹp, thật ý nghĩa".

Khép lại buổi lễ, tiếng hát rộn ràng của nhạc sĩ Tiến Hùng hòa cùng giọng thầy và trò vẫn còn ngân vang. Có một bài hát mới dành cho chính mình, có một bước ngoặt đầy cảm xúc, năm học 2023-2024 của thầy và trò trường TH&THCS Tây Tiến đã mở đầu đầy ấn tượng, hứa hẹn thật nhiều kỉ niệm và thật nhiều niềm vui.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Trao bản quyền bài hát “Trường em Tây Tiến” trên cao nguyên Mộc Châu tại chuyên mục Phóng Viên Nhỏ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Phóng Viên Nhỏ khác

Giới thiệu ẩm thực quê hương

Với mong muốn quảng bá văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, thầy Phan Vũ Nguyên cùng nhóm học sinh lớp 10 trường THCS&THPT Đông Du (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã triển khai dự án “Sản xuất muối đồng bào vùng Tây Nguyên- Muối Amrêč”

Cô Tổng - Người vun đắp phong trào

Trong tâm trí của nhiều thế hệ học sinh, cô là người nghiêm khắc, luôn giữ nét mặt uy nghiêm; học sinh chỉ nghe tiếng bước chân của cô phía ngoài hành lang là cả lớp đã phải ngồi im không ai dám làm sai quy định.

Số hóa di tích lịch sử cơ quan Trung ương Đoàn

Đoàn xã Minh Thanh (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) vừa thực hiện số hóa các di tích Trụ sở Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) và báo Tiền Phong - Thiếu niên (nay là báo Tiền Phong, báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng).