Trẻ em Hà Thành hào hứng trải nghiệm làm đồ chơi Trung thu truyền thống

NGỌC HÀ
Sáng nay (15/9), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức hoạt động “Cùng khám phá đồ chơi trung thu” để chuẩn bị cho chương trình Trung thu 2018: Sắc màu văn hóa Ninh Thuận.

Hoạt động “Cùng khám phá đồ chơi trung thu” có sự tham gia của các bạn học sinh đến trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các bạn đã được nghệ nhân dân gian hướng dẫn để tự tay làm các đồ chơi Trung thu truyền thống thông qua một số hoạt động như: làm bánh dẻo, tô mặt nạ, làm đèn ông sao, ông sư, con thỏ, kéo quân, ông Tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, nặn tò he, tàu thủy sắt tây, tết lá dừa và chơi một số trò chơi dân gian…

Nghệ nhân hướng dẫn các bạn làm đèn kéo quân

Một bạn nhỏ cùng bố vẽ mặt nạ giấy.

Chương trình là cơ hội để khách tham quan, đặc biệt là các bạn nhỏ được khám phá những nét văn hóa truyền thống trong dịp Tết trông trăng. Tham gia hoạt động này có sự góp sức của các anh chị tình nguyện viện đến từ các trường THPT và đại học ở Hà Nội.

Các bạn nhỏ hướng dẫn làm tò he.

Chương trình với nhiều nội dung phong phú như: Hướng dẫn làm đồ chơi: Bịt mắt đập niêu, cắt tỉa hoa quả, đi cà kheo, chơi đuổi quạ, làm đèn kéo quân, hoa quả bằng bột, làm ông Tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao, ông sư, con thỏ, kéo quân, nặn tò he, hoa quả bằng bột, con giống chuyển động, trống bỏi, tô vẽ đầu lân, mặt nạ, tàu thủy sắt tây; Trình diễn và hướng dẫn: làm bánh dẻo, cốm Vòng, cắt tỉa hoa quả và bầy mâm cỗ Trung thu...

Các anh chị tình nguyện viên hướng dẫn làm bánh dẻo.

Tiếp đó, vào ngày 22, 23/9/2018 (13 và 14/8 âm lịch, thứ bảy và chủ nhật, từ 8:30 - 12:00 và 14:00 - 17:30), Bảo tàng sẽ tổ chức chương trình “Trung thu 2018: Sắc màu văn hóa Ninh Thuận”.

Hơn 20 nghệ nhân đến từ vùng đất Duyên hải Nam Trung Bộ sẽ mang đến cho du khách những tiết mục múa hát dân gian, trình diễn nhạc cụ truyền thống (trống Ginăng, Paranưng, kèn Saranai, đàn Kanhi), làm gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp của người Chăm; Trình diễn Mã la, khèn bầu, đàn Chapi của người Raglai. Du khách trải nghiệm tự mặc trang phục Chăm và thưởng thức hương vị ẩm thực Ninh Thuận.

Bên cạnh đó “Trải nghiệm khoa học qua đồ chơi dân gian” là một trong những hoạt động mới, góp phần khuyến khích trí tò mò, sự sáng tạo tìm hiểu khoa học qua đồ chơi dân gian sẽ mang đến cho các em nhiều điều thích thú. Thông qua trải nghiệm cách làm diều và tàu thủy sắt tây, các em nhỏ được tìm hiểu về bí mật của sự nổi và áp suất không khí. Đây là cơ hội để các nghệ nhân trực tiếp giới thiệu các tri thức dân gian gắn với kiến thức khoa học qua cách làm đồ chơi.

Thành quả là những chiếc diều của các bạn nhỏ, sau khi được nghệ nhân về diều chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn tỉ mỉ.

Chương trình “Trung thu 2018: Sắc màu văn hóa Ninh Thuận” hứa hẹn sẽ đem đến cho công chúng, nhất là các bạn nhỏ những trải nghiệm thú vị trong hoạt động trực tiếp làm đồ chơi, chơi trò chơi dân gian. Khám phá văn hóa của người Chăm, Raglai đến từ Ninh Thuận; Tăng cường kết nối giữa kiến thức khoa học với tri thức dân gian qua đồ chơi truyền thống là những chuỗi hoạt động hữu ích nhằm góp phần tích cực, thiết thực vào hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập hiện nay- PGS. TS. Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng DTHVN chia sẻ.

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Trẻ em Hà Thành hào hứng trải nghiệm làm đồ chơi Trung thu truyền thống tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác

Thủ tướng đồng ý nghỉ 5 ngày dịp lễ 30/4 - 1/5

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2450/VPCP-KGVX ngày 12/4/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 2024.