"Đây là lần đầu tiên Trung Quốc khoan hố thẳng đứng sâu trên 10.000m", Wang Chunsheng, chuyên gia ở giếng dầu Tarim thuộc Tập đoàn xăng dầu quốc gia Trung Quốc, đơn vị giám sát quá trình khoan, cho biết.
Ở vị trí giữa dãy núi Thiên Sơn và Côn Luân, lòng chảo Tarim là một trong những khu vực khó khám phá nhất do môi trường khắc nghiệt trên mặt đất và điều kiện phức tạp dưới lòng đất. Theo Wang, sau khi đạt độ sâu 10.000 m, công tác khoan sẽ đối mặt nhiều thách thức ngặt nghèo hơn như nhiệt độ trên 200 độ C và áp suất hơn 130 MPa.
Giếng thẳng đứng sâu nhất trên thế giới hiện nay có độ sâu hơn 12.262 m. Jia Chengzao, học giả ở Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết Shenditake 1 sẽ trở thành giếng thẳng đứng sâu thứ hai trên thế giới và sâu nhất ở châu Á, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nghiên cứu khoa học lòng đất cũng như thăm dò dầu khí siêu sâu.
Hiện nay, mũi khoan đang xuyên qua lớp đá hình thành cách đây 500 triệu năm. Trong quá trình khoan, các nhà địa chất học thu thập mẫu đá từ nhiều độ sâu và địa tầng khác nhau. "Ở giai đoạn hiện nay, hiểu biết cơ bản của chúng tôi về sự hình thành nguồn dự trữ dầu khí ở độ sâu 10.000 m vẫn mang tính giả thuyết. Sau dự án khoan này, một số giả thuyết sẽ được xác nhận hoặc điều chỉnh, số khác sẽ thay đổi theo thông tin mà chúng tôi thu được", Zhao Wenzhi, chuyên gia ở Viện hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc, chia sẻ.
(Theo CGTN)