Tuổi thơ "lạ lùng" của nhà thiên tài vật lý Stephen Hawking

Nguyễn Hà
Stephen Hawking - Nhà thiên tài vật lý đã ra đi ở tuổi 76, để lại nhiều nỗi tiếc thương cho nhân loại, cho những người đam mê khoa học.

Stephen Hawking mang một bộ óc lỗi lạc của thế kỷ, truyền cảm hứng cho ngành thiên văn học thế giới. Vì thế, tuổi thơ của ông cũng mang nhiều điều lạ lùng.

Hawking được sinh ra vào ngày 8/1/1942 tại Oxford, Anh. Cha ông là một nhà nghiên cứu y học, mẹ ông là một trong những nữ sinh đầu tiên tốt nghiệp ở từ trường Đại học hàng đầu thế giới Oxford.

Vì cha của ông là người đứng đầu Khoa Ký sinh trùng tại Viện nghiên cứu Y khoa Anh quốc và được sang châu Phi nghiên cứu, nên Hawking được cha hướng tới trở thành một bác sĩ. Nhưng ngược lại, ông lại dành sự quan tâm đặc biệt tới thiên văn học.

Trong những ngày đầu tới trường Trung học nữ sinh St Albans, Stephen không mấy nổi trội. Ông thậm chí còn không thể đọc, viết thành thạo. Trong những năm đầu tại đây, ông là một trong ba người học kém nhất lớp.

"Chị gái tôi, Philippa biết đọc lúc mới 4 tuổi còn tôi mãi tới 8 tuổi mới đọc trôi chảy. Chữ trong vở của tôi thì lộn xộn, những bài tập của tôi luôn khiến giáo viên thất vọng. Tôi chưa bao giờ xếp hạng trong nửa trên của lớp thế nhưng bạn học thường gọi tôi là "Einstein", Stephen từng nói.

Năm 13 tuổi, ông được cha hướng vào trường Westminster danh giá, nhưng Hawking bị ốm vào ngày thi học bổng. Gia đình không đủ khả năng trả học phí nên ông tiếp tục học tại St Albans. Ông cùng nhóm bạn thân thường chơi cờ bàn, một trò chơi trí tuệ giúp phát triển tư duy, khả năng suy luận, giao tiếp và phán đoán, chế tạo pháo hoa, mô hình máy bay, tàu thuyền.

Năm 1958, nhờ sự giúp đỡ của thầy giáo dạy Toán Dikran Tahta, họ chế tạo thành công chiếc máy tính bằng linh kiện lấy từ đồng hồ, điện thoại cũ và các vật liệu tái chế khác.

Tháng 10/1959, Stephen trở thành sinh viên Đại học Oxford khi mới 17 tuổi. Trong 18 tháng đầu, ông luôn cảm thấy chán nản và cô đơn vì ít tuổi hơn các sinh viên khác và... việc học quá dễ dàng. Hawking theo học ở đây vì ý muốn của cha mình, ông đã lên kế hoạch để trở thành một chuyên gia về Toán học. Nhưng thời điểm đó, môn học này không được giảng dạy tại trường Oxford, nên ông đã chuyển hướng sang học vật lý và hóa học.

Ông không chú trọng lắm việc học và thường chỉ học một giờ mỗi ngày. Cách học tập này khiến ông gặp trở ngại trong các kỳ thi vì ông chỉ trả lời các câu hỏi Vật lý lý thuyết và bỏ qua những câu đòi hỏi kiến thức thực tế.

Năm 1962, ông tốt nghiệp đại học Oxford và chuyển qua Đại học Cambridge theo ngành vũ trụ học.

Nhưng ở ngay năm học đầu tiên, Hawking đã có những triệu chứng bất thường. Cuộc đời của Stephen Hawking rẽ sang một hướng hoàn toàn khác khi ông bị chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ (ALS). Căn bệnh này khiến cơ thể bệnh nhân dần dần đông cứng cho tới khi bị liệt hoàn toàn. Họ mất dần khả năng vận động, không thể nhai đồ ăn và gặp khó khăn trong việc hít thở. Các bác sĩ dự đoán rằng Stephen Hawking không sống được quá hai năm.

Sau khi có kết quả chẩn đoán, Hawking rơi vào trầm uất; mặc dù các bác sĩ khuyên ông tiếp tục học hành, ông cảm thấy chẳng còn mấy ý nghĩa. Tuy nhiên cùng thời gian đó, mối quan hệ của ông với Jane Wilde, bạn của em gái ông, người mà ông gặp ít lâu trước khi chẩn đoán bệnh, tiếp tục phát triển. Hai người đính hôn vào tháng 10 năm 1964. Sau này Hawking nói rằng việc đính hôn đã "cho ông điều gì đó để sống vì nó."

Khi ông quay trở lại với các nghiên cứu căn bệnh bỗng dưng tiến triển chậm hơn so với dự đoán của bác sĩ. Lời chẩn đoán ban đầu về thời gian sống của Hawking đã bị loại bỏ. Trong suốt thời gian ấy tới nay, ông đã để lại cho ngành khoa học biết bao phát minh vĩ đại.

Suốt 76 năm sống hết mình và nỗ lực cống hiến cho khoa học nhân loại với nhiều công trình quan trọng, chúng ta phải gửi lời tạm biệt tới Stephen Hawking. Nghị lực sống của Hawking mãi là một tượng đài lớn cho chúng ta noi theo.

Ngọc Hà

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Tuổi thơ "lạ lùng" của nhà thiên tài vật lý Stephen Hawking tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.