Phỏng vấn xin việc luôn là thử thách khó khăn với bất cứ ứng viên nào dù bạn đã có kinh nghiệm phỏng vấn hay mới ra trường. Khi tham gia một buổi phỏng vấn, bạn phải cạnh tranh với các ứng viên tiềm năng xung quanh, rồi đối mặt với loạt câu hỏi hóc búa từ kiến thức chuyên môn tới kỹ năng mềm từ nhà tuyển dụng.
Mà không phải công ty nào cũng chỉ hỏi ứng viên một mẫu câu hỏi nhất định, nhiều khi bạn sẽ gặp phải tình huống oái oăm, khó nhằn, thậm chí câu hỏi chẳng liên quan gì tới vị trí bạn ứng tuyển. Tiểu Lệ đã phải vượt qua buổi phỏng vấn kỳ cục như vậy đấy.
Được biết, cô gái này ứng tuyển vị trí bán hàng tại một công ty. Cô bạn thể hiện xuất sắc và vượt qua nhiều vòng gồm đánh giá kỹ năng chuyên môn, sàng lọc sơ yếu lý lịch... Phần cuối cùng khó nhằn nhất là một câu hỏi mở để kiểm tra EQ và khả năng phản ứng nhanh của các ứng viên.
Tại đây, Tiểu Lệ và 2 ứng viên khác được nhà tuyển dụng hỏi rằng: "Nếu một cây kim chẳng may rơi xuống biển thì phải làm sao?". Vừa nghe xong câu hỏi, một ứng viên đã vội vàng đứng lên trả lời: "Tôi nghĩ chúng ta có thể dùng nam châm. Buộc một sợi dây vào cục nam châm sau đó thả xuống biển, như vậy là có thể hút cây kim lên".
Người phỏng vấn chất vấn lại: "Vậy nếu chẳng may nam châm cũng bị rơi mất thì sao?". Câu hỏi dường như đã khiến ứng viên đầu tiên nghẹn lời, người này không nói được gì thêm và im lặng ngồi xuống.
Tới lượt mình, ứng viên thứ 2 tuyệt vọng nói: "Tôi hy vọng tôi chính là cây kim đó. Tôi nghĩ tôi rất cần công việc này, hy vọng quý công ty cho tôi một cơ hội. Câu này tôi thực sự không biết phải trả lời ra sao".
Là người trả lời cuối cùng, Tiểu lệ dù rất hồi hộp nhưng vẫn từ tốn giải thích: "Nếu một cây kim thực sự rơi xuống biển thì tôi sẽ mua cái khác. Ai cũng biết mò kim đáy biển là chuyện không thể nên tốt nhất là bỏ tiền ra mua cái mới cho xong. Rõ ràng, với chi phí bỏ ra để mua dây thừng và nam châm, chúng ta có thể mua được rất nhiều cây kim khác, vậy tại sao cứ phải khăng khăng tìm lại cây kim ở đáy biển kia chứ. Mua cái mới là biện pháp vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm tiền bạc lại tiết kiệm được cả công sức".
Dường như câu trả lời của cô chính là đáp án nhà tuyển dụng mong muốn, họ ngay lập tức đứng lên bắt tay cô, chúc mừng cô trở thành thành viên của công ty.
Thế mới thấy, ngoài năng lực chuyên môn, bạn cần có cả sự bình tĩnh, khả năng phán đoán, áp dụng đặc thù công việc mình ứng tuyển vào câu hỏi tưởng chừng không liên quan tới kiến thức chuyên môn như trên. Như vậy, bạn sẽ tạo được sự khác biệt và ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.