Vì sao là ngày giỗ Tổ là ngày mùng 10 tháng 3?

Có rất nhiều tài liệu giải đáp về vấn đề này, tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định được tài liệu nào là chính xác nhất vì “các đời vua Hùng chỉ là ước đoán chứ không có dấu tích nào rõ ràng”.

Ai trong chúng ta cũng đã quá quen thuộc với câu:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Cứ đến gần ngày này, người dân khắp nơi lại nô nức về Đền Hùng (Phú Thọ) để dâng lễ, tưởng nhớ công lao dựng nước của vua Hùng.

Theo truyền thuyết, Kinh Dương Vương lấy Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Do vậy, giỗ Tổ vua Hùng, tức là giỗ tổ phụ Kinh Dương Vương.

Có tài liệu thì ghi, ngày giỗ tổ đã có từ cách đây 2.000 năm. Thời Thục Phán - An Dương Vương, trên núi Nghĩa Lĩnh đã có cột đá thề với nội dung: “Nguyện có đất trời chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu thất hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”.

Do vậy, các đời vua sau này ghi nhớ công ơn của các đời vua Hùng dựng nước và giữ nước. Giỗ Tổ vua Hùng được coi là dịp lễ để tưởng nhớ các đời vua Hùng nói chung.

Lễ giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân, Tổ Mẫu Âu Cơ tại tỉnh Phú Thọ, ngày 29/3/2020.

Vì sao giỗ vua Hùng ngày mùng 10 tháng 3?

Câu hỏi này cũng có rất nhiều câu trả lời, tuy nhiên, câu trả lời được nhiều người xem là hợp lý nhất, trả lời cho câu hỏi vì sao giỗ vua Hùng lại là ngày mùng 10 tháng 3 thì có câu chuyện dưới đây.

Trước đây, người dân không có đi lễ vào ngày mùng 10 tháng 3 mà tự chọn ngày tốt theo bản mệnh của mình, rồi đến lễ bái các vua Hùng suốt năm. Thời điểm đông nhất thường rơi vào các tháng xuân - thu chứ không định rõ ngày nào.

Người dân tại xã Hy Cương, phủ Lâm Thao thì lấy ngày 11/3, kết hợp với thờ Thổ kỳ, làm lễ riêng.

Do đó, thời gian lễ bái thường kéo dài liên miên, vừa tốn kém tiền của lại không bày tỏ được rõ lòng thành kính, không tập hợp được lòng dân.

Nhận thấy điều này, Tuần phủ Phú Thọ ông Lê Trung Ngọc vào năm 1917 (niên hiệu Khải Định năm thứ nhất) đã làm bản tấu trình lên Bộ Lễ, xin định lệ lấy ngày mùng 10/3 âm lịch hằng năm để nhân dân cả nước kính tế Quốc tổ Hùng Vương, trước một ngày so với ngày hội tế của dân xã bản hạt. Đồng thời, ông cũng xin miễn trừ các khoản đóng góp của nhân dân địa phương vào các kỳ tế lễ mùa thu.

Sau đó, Bộ Lễ đã ban hành công văn phúc đáp và chính thức định lệ ngày quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch và quy định nghi thức, nghi lễ, lễ vật tế Tổ hằng năm.

Việc này được ghi trên tấm bia “Hùng miếu điển lệ bi” do Hội đồng kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập và dựng tại đền Thượng - Khu di tích đền Hùng vào mùa xuân năm 1923.

Cụ thể nội dung trên tấm bia: "Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày quốc tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mồng Mười tháng Ba. Chiều ngày mồng Chín tháng Ba hằng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong cả phủ huyện của tỉnh, đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quán. Sáng hôm sau, tới miếu kính tế…"

Từ đó về sau, vào ngày 10/3 nhân dân cả nước lại hướng về vùng đất cội nguồn - xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ để tôn vinh công lao của các vị vua Hùng.

 

Trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh COVID-19, ban tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cho biết năm nay chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội với tinh thần đơn giản, gọn nhẹ nhưng đảm bảo trang nghiêm, thành kính và an toàn.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Các di tích tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng bao gồm:

Đền Hạ, tương truyền nơi Tổ Mẫu Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai; chùa Thiên Quang thiền tự; đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu), tương truyền nơi Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng bàn việc nước.

ĐềnThượng (Kính Thiên Lĩnh điện) tương truyền nơi các Vua Hùng tiến hành nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh; lăng Hùng Vương, tương truyền là mộ Vua Hùng thứ 6; cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi để thề nguyện gìn giữ cơ nghiệp nhà Hùng, bảo vệ non sông đất nườc.

Đền Giếng (Ngọc tỉnh) thờ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con gái Vua Hùng thứ 18; đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ được xây dựng năm 2005; đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân xây dựng năm 2009. Ngã năm đền Giếng có dựng bức phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong.

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Vì sao là ngày giỗ Tổ là ngày mùng 10 tháng 3? tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.