Vì sao pama không nên lạm dụng thuốc hạ sốt cho trẻ?

ctv03
Để giảm đau hạ sốt, thuốc thường được dùng là aspirin và paracetamol.

Để giảm đau hạ sốt, thuốc thường được dùng là aspirin và paracetamol.

Trong 2 loại thuốc này, paracetamol được xem là tương đối an toàn. Aspirin giảm đau, hạ nhiệt tốt nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là gây tổn hại niêm mạc dạ dày - tá tràng và tăng nguy cơ xuất huyết. Cần lưu ý, không được dùng aspirin khi nghi ngờ sốt xuất huyết. Phụ nữ có thai và trẻ em cũng không nên dùng aspirin.

Nên lựa chọn paracetamol nhưng cũng cần lưu ý thuốc này không phải hoàn toàn vô hại, dùng quá liều có thể hại gan (đã có nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc paracetamol phải nhập viện). Không nên sử dụng paracetamol quá thường xuyên và phải dùng thật đúng liều. Tóm lại, thuốc hạ sốt nên dùng là paracetamol.

Nên lưu ý, có 2 loại thuốc hạ sốt chứa dược chất paracetamol. Một là thuốc chỉ chứa paracetamol không thôi (nhiều dược phẩm xem kỹ sẽ thấy trong công thức chỉ chứa một thuốc là paracetamol), đây có thể xem là thuốc giảm đau hạ nhiệt thông thường. Loại thứ hai là thuốc phải thật thận trọng trong sử dụng, đó là thuốc phối hợp đến ba dược chất. Một là paracetamol, hai là thuốc kháng histamin trị dị ứng clorpheniramin, ba là thuốc có tác dụng co mạch, làm tan máu chống sung huyết ở niêm mạc mũi dùng để trị nghẹt mũi, sổ mũi phenylpropanolamin (nay đã bị cấm), phenylephrin, pseudoephedrin. Thuốc loại thứ hai này có thể kể: decolgen fort, tiffy, contac, coldcap, actifed…

Đối với trẻ con còn quá nhỏ tuổi, cần tránh dùng thuốc trị hạ sốt có chứa chất co mạch chống sung huyết. Thậm chí, không được dùng thuốc nhỏ mũi có chứa chất co mạch bởi thuốc không chỉ có tác dụng làm co mạch ở niêm mạc mũi mà còn gây co mạch ở các nơi khác như gan, tim, thận… của trẻ khi cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh để có thể chấp nhận được tình trạng này. Đối với trẻ bị sốt, chỉ nên cho sử dụng paracetamol và nên dùng dạng thuốc lỏng có mùi vị thơm để trẻ dễ uống.

Bên cạnh đó, có thể hạ sốt cho trẻ bằng cách không dùng thuốc như sau:

Để bệnh nhi nằm chỗ thoáng mát (nhiệt độ nơi nằm phải thấp hơn nhiệt độ cơ thể 5-6 độ C) và nhớ tránh gió lùa. Cho bệnh nhi mặc quần áo mỏng, thoáng (tránh thói quen ủ, trùm nhiều quần áo, chăn mền). Lau bằng nước ấm (30-32 độ C, tức nước có nhiệt độ vừa phải chứ không phải nước quá lạnh hay nước đá). Nhúng khăn và lau toàn thân bệnh nhi.

Thuốc hạ sốt cần dùng đúng cách:

- Paracetamol chỉ trị triệu chứng sốt, dùng sẽ hết sốt nhưng hết thuốc có thể sẽ sốt trở lại khi nguyên nhân bệnh lý gây sốt vẫn còn. Vì vậy, chỉ dùng thuốc paracetamol trong một thời gian 3-4 ngày. Nếu sốt tái diễn hoặc tăng thêm, rất cần đi khám bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và cho hướng điều trị thích hợp.

- Liều thông thường hạ sốt cho trẻ là 10-15 mg/kg cân nặng, ngày uống 3-4 lần; liều tối đa cho trẻ là không quá 60 mg/kg/ngày.

Các trường hợp nên đưa trẻ đi bệnh viện

- Sốt nhẹ nhưng kéo dài: Trẻ có thể bị bệnh lao nhiễm, bị bệnh về máu.

- Sốt cao kèm theo một triệu chứng: Trẻ bị sốt xuất huyết kèm sốt cao lại thêm các vết bầm tím, chấm xuất huyết ngoài da hoặc đau bụng. Trẻ sốt cao kèm theo khó thở, trường hợp này có thể bị viêm phổi.

Theo: Dân trí

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Vì sao pama không nên lạm dụng thuốc hạ sốt cho trẻ? tại chuyên mục Thuốc - Bác Sỹ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Thuốc - Bác Sỹ khác