Phát động trên trang nhất
Năm 1958, từ sáng kiến “Kế hoạch nhỏ” của thiếu nhi tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội) và Hải Phòng, thu hồi giấy, phế liệu, tăng gia sản xuất lấy kinh phí xây dựng Nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền phong (TNTP) tại Hải Phòng, cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ở thời điểm đó đã cho phép mở rộng phong trào trên toàn miền Bắc. Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam đã tổ chức phát động “Kế hoạch nhỏ”. Ở thời điểm bấy giờ, báo TNTP (nay là báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng) đã góp sức để lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp của phong trào này.
Trong số báo TNTP 93, phát hành ngày 16/10/1958 có đăng lời kêu gọi lớn ngay trên trang nhất: “Nhiệt liệt hoan nghênh và tích cực thực hiện phong trào kế hoạch nhỏ do Trung ương Đoàn phát động”. Cùng với đó là bài viết hướng dẫn thiếu nhi thực hiện “Kế hoạch nhỏ” với lời Bác Hồ gửi thiếu niên, nhi đồng: “Mong các cháu cố gắng/Thi đua học và hành/Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình”.
Báo Đội đã góp ý cho thiếu nhi bằng những ví dụ cụ thể để làm sao thực hiện phong trào đúng với hướng yêu cầu. “Nếu là dự định giúp người lớn trong công trình thủy nông Bắc Hưng Hải, nếu là dự kiến nhặt sắt vụn lấy tiền mua cày 51 hoặc máy bơm tặng một hợp tác xã nghèo… phải tính cho sát, cân nhắc cho kỹ. Chớ vì muốn được nhiều thành tích mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Hơn nữa phải tính dành thời giờ để làm cả việc, chủ yếu là việc học nữa”.
Bên cạnh đó, báo Đội mong muốn thiếu nhi phải có thái độ kiểm điểm sau khi thực hiện xong phần việc kế hoạch nhỏ. Liên đội phải hoan nghênh và học hỏi những bạn có tinh thần tích cực, có sáng kiến mới và biết tương trợ bạn bè trong lao động. Với những bạn không tôn trọng kỷ luật, không bảo vệ công cụ, không làm được phần việc đã được phân công, cần phải góp ý để sửa chữa.
Báo Đội đã nhận định, “Kế hoạch nhỏ” là cuộc thi đua sôi nổi chưa từng có và cổ vũ thiếu nhi để xem “Đội nào sẽ chiếm lá cờ đầu trong phong trào? Ai sẽ có những bước nhảy dài nhất trong chúng ta”.
Những gương Liên đội điển hình
Sau khi phát động phong trào trên khắp miền Bắc, báo TNTP đã đăng tải những gương điển hình tiên tiến đầu tiên của phong trào. Số 95, phát hành tháng 11/1958 có bài viết “Biến sắt vụn thành máy móc”. Bài viết nói về thiếu niên trường Chu Văn An (Hà Nội) nhặt được khẩu súng máy cũ của địch để thực hiện phong trào “Kế hoạch nhỏ”. Dự định của nhóm học sinh là đưa khẩu súng này vào lò trung quy mô, biến sắt vụn thành nông cụ, máy móc.
Cũng trong số này, báo Đội đã đưa tin về phong trào “Kế hoạch nhỏ” ở miền Bắc. Thiếu nhi khu Hồng Quảng (nay thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương) mở hội nghị đội viên gương mẫu để tổng kết thành tích và thảo luận tiến hành kế hoạch nhỏ; thiếu niên huyện Duy Tiên (Hà Nam) tổ chức lao động, tăng gia góp tiền mua 1 cày 51 tặng hợp tác xã…
Báo TNTP số 97, tháng 11/1958 có bài viết “54 tấn sắt vụn của học sinh Hà Nội đã đưa vào lò đúc máy”. Theo đó, sau 1 tháng triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ”, thiếu nhi Hà Nội đã tìm được 54 tấn sắt vụn và chuyển đến Nhà máy cơ khí Trung-quy-mô (tiền thân của Công ty Cơ khí Hà Nội). Số sắt này được dùng để đúc những máy móc mới phục vụ cho nhiều ngành sản xuất.
Liên tiếp trong các số báo cuối năm 1958, báo TNTP đã liên tục đưa tin tức về phong trào “Kế hoạch nhỏ” ở các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Bắc Giang với các hoạt động như: nhặt sắt vụn, nuôi gia súc, gia cầm, làm ruộng theo kỹ thuật mới,…
Trải qua 63 mùa hoa, phong trào “Kế hoạch nhỏ” vẫn được các Liên đội trên khắp cả nước thực hiện với nhiều hoạt động đa dạng về hình thức, điển hình như: nuôi heo đất, thu mua giấy báo cũ, vỏ lon, chai nhựa, trồng rau củ, gian hàng đổi đồ dùng học tập… Từ đó cho thấy ý nghĩa và sức hút lớn của phong trào đối với thiếu nhi cả nước...