Xây dựng trường học hạnh phúc: Bắt đầu từ người thầy

Từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã triển khai cuộc vận động xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Nhiều nhà trường trên khắp cả nước đã triển khai để lan tỏa và mang lại giá trị hạnh phúc cho cả thầy và trò.

 

Hiểu đúng về trường học hạnh phúc

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc quốc gia Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cho hay, khoa học thực tiễn đã chứng minh, việc các nước đưa mô hình trường học hạnh phúc vào nhà trường dưới dạng lồng ghép vào các mô hình dạy học đổi mới khác thì thành tích học tập của học sinh (học sinh) được tăng lên 10-12%.

Trong đó, giáo dục cần hướng người học tới các giá trị tinh thần, tới lòng tốt và biết ơn, tới tính kiên trì và tinh thần cộng đồng. “Các quốc gia cần định vị lại trường học, thay vì chỉ chú trọng dạy học theo tư duy logic, giải quyết vấn đề là cần phát triển các giá trị của cảm xúc hạnh phúc, nâng cao lòng tự tin và năng lực hợp tác trong quá trình học tập và làm việc”, ông Đặng Tự Ân trao đổi.

Có nhiều cách hiểu về trường học hạnh phúc. Theo TS Nguyễn Văn Hòa, nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) thì hạnh phúc không phải là đến trường để vui chơi thoải mái.

Hạnh phúc phải là tạo cho học sinh hứng thú khi học tập, tham gia các hoạt động. Khi đó, bản thân các bạn tự giác tham gia, tự chủ trong việc học và các hoạt động. Học sinh sẽ không bị áp lực, kết quả học tập, rèn luyện sẽ tốt hơn.

Xây dựng “Trường học hạnh phúc” là xây dựng lồng ghép “Chương trình giáo dục nhà trường” trong mỗi nhà trường. Không tách rời với mục tiêu tất cả vì sứ mệnh cao cả là chất lượng giáo dục, năng lực, phẩm chất của lớp lớp các thế hệ học sinh.

Niềm vui, hạnh phúc có thể được đưa đến từ bên ngoài nhưng nó chỉ thực sự đạt được sự bền vững và thúc đẩy cá nhân hành động tích cực hàng ngày, hàng giờ khi đó là thành quả từ sự nỗ lực của chính bản thân từng người thông qua quá trình liên tục rèn luyện, vượt qua thách thức và đạt đến thành công từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều.

Đây cũng là quan điểm của ngành giáo dục khi phát động cuộc vận động xây dựng “Trường học hạnh phúc” với thông điệp, thầy cô giáo thay đổi để hướng đến một môi trường sư phạm văn minh, thân thiện, trường học hạnh phúc được tạo nên bởi các hành vi chuẩn mực, trước hết là của thầy, cô giáo có đạo đức trong sáng, yêu nghề, tận tâm, tận lực.

Trong đó, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, cần nhấn mạnh đến ba tiêu chí yêu thương, an toàn, tôn trọng. Bộ trưởng cho rằng cần tôn trọng sự khác biệt của học sinh, thấu hiểu, chia sẻ và hỗ trợ học sinh vượt qua khó khăn.

Bắt đầu từ Hiệu trưởng

Ông Đặng Tự Ân cho rằng Hiệu trưởng là nhân tố quan trọng, là người truyền cảm hứng và cũng là người cầm lái con tàu trường học hạnh phúc. Hãy “Quản lý mà không quản lý” là nhắn nhủ của ông tới các vị Hiệu trưởng với mong muốn “Hiệu trưởng có dám tự nhìn nhận, dám bước ra khỏi vùng an toàn và thay đổi?

Đây là trở lực vô cùng khó khăn. Nếu hình dung nhà trường là một xã hội thu nhỏ và để xã hội ấy hạnh phúc, thì Hiệu trưởng với vai trò người lãnh đạo cao nhất cần thay đổi tư duy, cách nghĩ, quan điểm quản trị, cách thức điều hành, phải chuyển từ tư duy quản lý, mệnh lệnh hành chính sang tư duy phục vụ, đặt lợi ích, sự hài lòng của “khách hàng” lên hàng đầu.

Bên cạnh lực đẩy về hệ điều hành, không thể thiếu lực kéo là hệ giá trị, tầm nhìn chiến lược, khát khao đạt đến, sẽ dẫn dắt người chèo lái con thuyền giáo dục mỗi nhà trường đi đúng hướng và cán đích”- ông Đặng Tự Ân nhận định.

Cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Ttrường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cũng đồng tình với quan điểm để có được sự thành công của mỗi giờ học, mỗi lớp học, cần đến sự nỗ lực của giáo viên quyết định 70% còn 30% là Ban giám hiệu. Bởi Ban giám hiệu mà cứ nói mãi nhưng giáo viên không chuyển động thì Ban giám hiệu sẽ rất khó khăn.

Thừa nhận để nói về trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc là không dễ chút nào khi bạn không xuất phát từ những trải nghiệm thay đổi của thực tiễn, cô Bùi Thị Ngọc Lan - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) cho rằng phải có sự thực hành, hiểu rõ bản chất, giá trị của nó chúng ta mới mạnh dạn “nói dễ được”.

Kinh nghiệm triển khai mô hình “Lớp học hạnh phúc” tại trường THPT Hoàng Cầu từ năm học 2018 - 2019 tới nay cho thấy khó khăn lớn nhất chính là “Mọi nguồn lực xã hội chưa hiểu rõ bản chất và giá trị của trường học hạnh phúc mang lại nên chưa có nhiều những động thái ủng hộ tích cực, mạnh mẽ cho mô hình này”.

Trong năm học này, nhà trường đã tăng cường công tác truyền thông giáo dục; lan tỏa những thành công của mô hình lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc thông qua các hội thảo để khẳng định ý nghĩa, giá trị nhân văn của mô hình này…

Đối với vai trò của giáo viên, TS Nguyễn Văn Hòa cho rằng các thầy cô phải thay đổi chính bản thân mình. Các thầy cô phải rèn luyện và có tâm thế của người có hoãi bão hạnh phúc và sẵn sàng dấn thân vì trường học hạnh phúc. Bởi các thầy cô giáo không vui vẻ, không hạnh phúc thì không thể nào có giờ học hạnh phúc, học sinh hạnh phúc.

TS Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh muốn các thầy cô giáo làm điều đó, nhà trường phải quan tâm, ở đây không chỉ là quan tâm vật chất mà phải tôn trọng giáo viên; tạo điều kiện cho giáo viên được tập huấn, tìm hiểu thêm những nội dung gắn với xu thế đổi mới giáo dục của thời đại mới; được học tập giá trị sống, được nâng cao kĩ năng sống, được thường xuyên trao đổi những kinh nghiệm tự học hỏi lẫn nhau...

Từ góc độ vĩ mô, ngành giáo dục thời gian qua đã triển khai các giải pháp hướng đến giáo dục hạnh phúc như: Giảm tải chương trình học, chương trình GDPT tiếp cận phát triển năng lực, phẩm chất và phát triển toàn diện học sinh theo từng cá nhân; giảm áp lực thi cử, thay đổi cách kiểm tra, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; tăng cường hoạt động trải nghiệm ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn; tăng cường khen thưởng, động viên và thực hiện kỷ luật tích cực đối với học sinh...

(theo Đại Đoàn Kết)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng trường học hạnh phúc: Bắt đầu từ người thầy tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.