Xoay quanh câu chuyện nhuận bút

TNTP - Những chuyện vui và bất ngờ xung quanh nhuận bút.

Nhuận bút là để… tái đầu tư!

Năm 1993, bài viết đầu tiên của tôi được đăng Báo Thiếu niên Tiền phong (TNTP). Đó là sự kiện “đặc biệt” của trường cấp 2-3 Eah’leo (Đắk Lắk) - một tỉnh vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên đại ngàn. Cuốn báo TNTP ấy được chuyền tay đi khắp nơi đến nhàu nát.

Bài viết của tôi được đọc lên trước toàn trường trong tiết chào cờ đầu tuần. Không chỉ bạn bè mà các anh, chị lớp trên cũng nhìn tôi với ánh mắt ngưỡng mộ. Có bài được đăng báo Đội quả là “điều không tưởng”.

Nhà báo Vũ Thủy.

Cầm giấy báo lãnh tiền nhuận bút mà tôi cứ như đi trên mây. Lên bưu điện nhận tiền, tôi còn phải véo vào tay mình một cái thật đau để biết rằng đó không phải mơ! Đồng nhuận bút đầu tiên tôi có được ba, mẹ cho tôi toàn quyền tự quyết. Tôi mạnh dạn bước vào hiệu sách, mua hẳn hai cuốn sách mình yêu thích (tôi đã ngắm cả chục lần mà không có tiền để mua), đó là cuốn “Những trang sử Đội vẻ vang” và “Không gia đình”. Hôm sau tới lớp, tôi mua kẹo chanh khao bạn bè và còn mục đích nữa, các bạn biết là gì không? Đó là để các bạn có gì hay thì kể cho tôi viết báo tiếp (tái đầu tư mà. Hi hi)!

Kể từ ngày ấy, tôi bắt đầu cộng tác với Báo TNTP thường xuyên, từ những mẩu chuyện nho nhỏ ở lớp, ở trường, đến cả chuyện cười tôi lượm lặt được từ bạn bè. Nhuận bút dùng để "tái đầu tư" có lợi như thế đấy.

Nhờ cộng tác cùng TNTP mà tôi ngày càng học giỏi hơn, bạn bè nhiều hơn, tính nhút nhát, mặc cảm tự ti của con bé vùng sâu, vùng xa cũng đã biến mất để tôi tự tin bước chân vào học trường Báo chí.

Ra trường, tôi về cộng tác tại báo Sinh viên Việt Nam - Hoa học trò được một thời gian, rồi chuyển sang Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Bây giờ, tuy không còn trực tiếp làm báo, nhưng tôi vẫn thường xuyên cộng tác cùng nhiều báo (Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, An ninh Thế giới, Người lao động, Lao động, Tuổi trẻ) và xuất bản được những cuốn sách được nhiều bạn nhỏ đón nhận như: "Ngôi trường trên đồi hoa vàng", "Rừng người thương", "Đường trong rừng", "N’Trang Lơng - Đứa con của rừng", "Luật của rừng". Tôi cũng có nhiều kịch bản phim như: "Gò Voi", "Mây ngang núi", "Vòng cây đời người" đã được phát sóng.

Tôi còn có nhiều kế hoạch khác với Báo TNTP lắm. Mong các bạn đón đọc và ủng hộ nha.

Thủy Vũ (Đắk Nông)

“Người hùng” ở ga Vinh

Chiều đó tôi về ga Vinh (Nghệ An) để chờ tàu vào Nam công tác. Tôi vào quầy báo mua đọc cho hết thời gian.Tôi vừa trả tiền mua tờ TNTP cuối cùng trên quầy thì một cô bé học trò tuổi teen bước tới và hỏi mua ngay tờ báo đó.

Chủ quầy báo trả lời là có chú đây mua trước rồi, nên không còn tờ TNTP nào nữa… Cô bé thẫn thờ, đứng lặng một chút như sắp khóc và kể là em vừa từ Cửa Hội (cách ga Vinh khoảng 18 km) đạp xe tới đây để mua tờ báo mà em thích… Giờ phải về tay không thì buồn đến chết mất!

Thầy giáo Lê Đức Đồng, “người hùng” ở ga Vinh năm nào.

Nói xong, em quay đi, ra chỗ lấy xe và tính ra về… Tôi đã nghe được câu chuyện của em. Là giáo viên, đã vào Nam chiến đấu, sống xa quê nhưng không bao giờ tôi quên nguồn cội, mảnh đất Nghệ An là đất học bao đời… Không cần suy nghĩ, tôi gọi lớn: “Em gì ơi, chờ tôi chút!”.

Cô bé quay lại, mở to đôi mắt ngạc nhiên. Tôi bước tới và nói: “Tặng em tờ báo này!”. Tôi ghi nhanh lời đề tặng, họ tên và địa chỉ của mình… Tôi trao tờ báo cho em mà lòng vui khôn tả vì mình vừa mang đến cho người khác một niềm vui, dù đó là niềm vui nho nhỏ.

Tháng sau, tôi nhận được một lá thư từ Cửa Hội gởi đến. Lúc này tôi đang là chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Sóc Trăng, phụ trách môn Ngữ văn. Tôi ngạc nhiên, ngỡ cô bé quên rồi, ai ngờ bé viết thư tới cảm ơn… Bé cho biết lúc đó giận “chú” ghê gớm vì... mua mất tờ báo mà bé rất thích và quá bất ngờ là sao có một người xa lạ mà hiểu mình thích đọc báo đến thế để tặng lại… “Chú” thật tốt bụng!

Lê Đức Đồng

TNTP: Thầy giáo Lê Đức Đồng - nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 307 oai hùng, nguyên chuyên viên Sở GD&ĐT Sóc Trăng, nguyên Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (tỉnh Sóc Trăng), cộng tác viên tích cực của Báo TNTP. Chúc mừng thầy đã trở thành “người hùng”, một người ga lăng trong con mắt của một cô bé học trò Nghệ An dễ thương. Và ai là cô bé dễ thương ở Ga Vinh năm đó đọc được bài viết này thì lên tiếng nha! Thầy Đồng mong được gặp lại để hàn huyên (qua email của Tòa soạn: toasoan@thieunien.vn).

A, đây rồi “Nằm khểnh mà được nghe đài”!

Một ngày đông cuối năm 2018, tôi được đến thăm thư viện của tòa soạn Báo TNTP. Hơn 60 năm trước tôi là độc giả say mê của báo Đội. Đến bây giờ, đã 74 tuổi, tôi vẫn còn nhớ tên nhiều bài vở, tranh truyện… trên các số báo hồi đó. Đó là những bài báo của các phóng viên Bút Thép, Bóng Nhựa, truyện tranh thường kỳ “Câu, Sáo, Khuyên”, và các truyện tranh, bài hướng dẫn làm đồ chơi khác...

Tôi rất nhớ một bài báo có tựa đề thú vị “Năm khểnh mà được nghe đài”. (Hồi ấy đại đa số các gia đình chưa có máy thu thanh, chưa nói đến ti vi, như bây giờ. Bài viết hướng dẫn cách tự chế tạo radio bằng một hộp chứa cục nam châm có 2 cực sắt cuốn dây đồng và bắt đài bằng ga len).

Nhà giáo Ngô Doãn Đãi rất xúc động khi được gặp lại những bài báo TNTP từ thời cách đây hơn 60 năm của mình.

Tôi vô cùng xúc động khi trong thư viện của tòa soạn vẫn còn nguyên những truyện tranh, bài báo, tranh vui khi xưa mà tôi đã từng được đọc. Và lại thấy cả bài “Nằm khểnh mà được nghe đài” nữa chứ! Tuyệt quá!

Kết thúc buổi thăm tòa soạn, tôi được các nhà báo, họa sĩ mời ăn cơm trưa ngay tại tòa soạn. Không khí hết sức ấm cúng, gần gũi. Xin chúc Báo TNTP tiếp tục có các thế hệ bạn đọc yêu mến tờ báo như chúng tôi cách đây hơn nửa thế kỷ nhé!

TNTP: Nhà giáo Ngô Doãn Đãi, nguyên cán bộ giảng dạy của Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, là chuyên gia cao cấp và cố vấn của nhiều trường, nhiều chương trình đại học và trên đại học trong cả nước đã tới thăm tòa soạn Báo TNTP và viết những dòng cảm nghĩ trên. Báo TNTP trân trọng cảm ơn thầy đã dành những tình cảm tốt đẹp cho tờ báo.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Xoay quanh câu chuyện nhuận bút tại chuyên mục Phóng Viên Nhỏ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Phóng Viên Nhỏ khác

Học sinh thi vẽ tranh "Hà Nội trong em"

Mới đây, UBND quận Hai Bà Trưng (TP. Hà Nội) tổ chức Cuộc thi vẽ tranh dành cho học sinh các trường tiểu học, chào mừng 62 năm Ngày thành lập quận và hướng tới kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.

Gặp mặt “Trạng nguyên nhí” ở xứ Đông

Mới đây, Lễ phát động Ngày hội Trạng Nguyên nhỏ tuổi lần thứ XXII, Viết chữ đẹp “Nét chữ - Nết người”, Bảng Vàng ghi danh lần thứ IV và thi tại chỗ Bảng Vàng ghi danh năm học 2023-2024 đã diễn ra tại tỉnh Hải Dương.