Xương rồng trên cát

Nguyễn Hà
Nhọc nhằn cùng ba lang thang mưu sinh qua ngày, cậu bạn Hà Danh Dự (TP. Huế) giống như loài xương rồng trên cát, không từ bỏ trước khó khăn, chống chọi với mọi hoàn cảnh để nở hoa rực rỡ...

Tuổi thơ cùng ba đi xin ăn từng ngày

Hai anh em Dự từ khi sinh ra đã phải theo ba mẹ đi xin ăn – cái nghề bị nhiều người xem thường. Với bạn khác, đang ở tuổi ăn học, được cha mẹ bao bọc, chăm sóc đủ đầy, được mọi người yêu thương thì Dự phải lang thang nơi đầu đường, xó chợ...

Nhiều lúc ba định cho Dự đi học khi đủ 6 tuổi, nhưng rồi cũng không thể thực hiện được vì thiếu tiền. Khi đó Dự tự an ủi mình rằng, việc học lúc này là không cần thiết. “Mình và ba đi cả ngày, chân đau rát mà chỉ xin được dăm ba đồng. Mẹ mình lại bị bệnh nên mọi việc trong gia đình, từ giặt áo quần, rửa chén bát, nấu ăn, kiếm tiền điều một tay ba làm. Khổ quá, cực quá, vậy học để làm gì? Lúc ấy, mình chỉ ao ước lớn thật nhanh để phụ giúp ba...” – cậu bạn buồn bã nhớ lại.

Nhưng khi cùng ba đi xin ăn, lúc đi qua trường học, Dự thấy các bạn ngồi ngay ngắn đọc bài, thấy các bạn rượt đuổi đùa vui với nhau giờ ra chơi. Lúc đó, cậu bạn lại thèm được học, thèm có bạn.

Biến cố xảy đến, cả gia đình Dự bị đưa vào trại An Hòa - nơi tập trung những người lang thang, cơ nhỡ, những thành phần bần cùng nhất của xã hội. Cuộc sống khi đó tưởng chừng như không còn lối thoát với Dự...

 Dự chia sẻ về tuổi thơ khó khăn của mình với phóng viên Thiều Quỳnh.

 Phép lạ cuộc sống

Sau một năm rưỡi, gia đình Dự được bảo lãnh về nhà. Nhưng do tuổi già, sức yếu, ba Dự đã đổ bệnh và mãi mãi ra đi. Anh em Dự về ở với người bác ruột, nhưng rồi người ta lại định đưa hai anh em cậu vào chùa ở.

May mắn đã đến khi anh em Dự được đưa tới Trung tâm bảo trợ trẻ em Xuân Phú (TP. Huế). Từ đây cuộc sống của Dự hoàn toàn thay đổi, đặc biệt là cậu bạn được đi học.

10 tuổi mới bước vào lớp 1, bắt đầu tập học viết, học đọc..., khó khăn trăm bề nhưng không vì thế mà cậu bạn nản lòng. Cùng với sự giúp đỡ của các cô giáo ở Trung tâm, Dự càng chăm chỉ học đánh vần, viết chữ. Ngày nào cũng như vậy, từng chút, từng chút một cho đến khi cậu theo kịp các bạn. Rồi đến khi gặp khó khăn với môn Văn, Dự ghi nhớ bằng cách sau khi đọc xong sẽ gấp sách lại và chép ra giấy. “Dự là cậu bạn đặc biệt thích đi học và cũng là người chăm học nhất mà chị từng biết.” - chị Đoàn Thị Hường (sống tại Trung tâm bảo trợ trẻ em Xuân Phú, hiện đang là sinh viên trường Đại học nghệ thuật Huế) chia sẻ về cậu bạn Hà Danh Dự.

 Trải qua một tuổi thơ với quá nhiều khó khăn, Dự luôn tự nhắc nhở mình rằng, được đi học luôn là điều hạnh phúc nhất!

Từ một cậu nhóc đi học chậm tuổi sau các bạn, Dự hiện là học sinh giỏi 9 năm liền của trường THCS Chu Văn An (TP. Huế). Năm học 2018 này, cậu bạn còn xuất sắc giành thêm giải Ba học sinh giởi môn Sinh học cấp thành phố.

“Giấc mơ sân cỏ” nước Nga

Ngày trước, các bạn ở xóm thường cùng nhau đá bóng vào mỗi buổi chiều, nhưng Dự chỉ có thể ngồi nhìn. Bởi vì khi đó không ai muốn chơi với một đứa trẻ ăn xin...

Giờ đây, ở Trung tâm, không chỉ được ăn no, mặc ấm, được đi học, Dự còn được chơi đùa cùng các bạn bên trái bóng tròn. Cậu bạn thích đá bóng lắm. Cộng thêm một chút năng khiếu, Dự được chọn tham gia đội bóng của TP. Huế.

 Dự là một cầu thủ trẻ rất tiềm năng, chơi rất tích cực trong đội bóng của thành phố.

Như một giấc mơ, tháng 6 này, Dự sẽ được tham gia Lễ hội Bóng đá hy vọng tổ chức ở nước Nga. Cho đến giờ cậu bạn vẫn chưa thể tin mình là 1 trong 4 đại diện được chọn tham gia sự kiện này. Không chỉ là niềm vui của Dự, của gia đình, Trung tâm xã hội nơi cậu bạn sống, của Bóng đá cộng đồng ở Việt Nam, mà đây còn là niềm tự hào của những người bạn yêu môn thể thao Vua trên khắp cả nước.

 4 đại diện của Bóng đá cộng đồng ở Việt Nam hào hứng chuẩn bị hành trang tới Lễ hội Bóng đá hy vọng.

 Không chỉ mang tới nước Nga niềm yêu thích với bóng đá, Dự hy vọng thông qua câu chuyện của mình sẽ giúp những mảnh đời bất hạnh xóa bỏ phần nào những mặc cảm tự ti, truyền động lực giúp các bạn tự tin hơn, cố gắng hơn nữa và tiếp tục khẳng định chính mình.

 Lễ hội Bóng đá hy vọng là sự kiện chính thức của FIFA World Cup 2018. Đây là lần thứ 2, tổ chức Bóng đá Cộng đồng tại Việt Nam (FFAV) vinh dự tham gia sự kiện này sau lần đầu tiên tham gia tại World Cup Brazil 2014.

Lễ hội Bóng đá hy vọng là hoạt động quốc tế đầy ý nghĩa với mục tiêu lan tỏa sức mạnh của bóng đá, trong việc tạo ra những chuyển biến tích cực cho xã hội.

Một số hình ảnh tại chương trình họp báo và lễ xuất quân của đoàn học sinh FFAV tham gia Lễ hội Bóng đá hy vọng ngày 19 tháng 6:

 4 đại diện của Bóng đá cộng đồng ở Việt Nam trong tà áo dài truyền thống đặc trưng của xứ Huế.

 Tiết mục múa chầu văn được FIFA chọn biểu diễn tại lễ xuất quân.

 Tặng bóng có chữ ký của đoàn đi Nga cho các nhà tài trợ.

Các bạn nhỏ ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em Xuân Phú tiễn anh chị lên đường bằng tiết mục nhảy sôi động.

 

Thực hiện: Thiều Quỳnh - Vũ Hiếu

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Xương rồng trên cát tại chuyên mục Gương Mặt của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Gương Mặt khác

Khánh Hà - “cô nàng nam châm" hút giải

Ở trường THCS Nguyễn Trãi (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), “sếp trưởng” Hồ Khánh Hà (lớp 9/8) luôn được thầy cô và các bạn yêu mến. Cô nàng Liên đội trưởng này học cực siêu và sở hữu cho mình một thành tích học tập rất “khủng”.

Nam sinh lớp 6 đạt 920 điểm TOEIC

Nguyễn Nam Long, học sinh lớp 6 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, đạt điểm TOIEC 920/990 và đặt mục tiêu đạt điểm tuyệt đối sau hai năm nữa.

Rô-bốt hình người siêu nhỏ

Vừa qua, nhóm 4 học sinh gồm: Aaron Ho Yat Fung, Isaac Zachary To, Justin Wang Tou Dương và Ngo Hei Leung (trường Nam sinh Diocesan, Hong Kong) đã chế tạo rô-bốt hình người nhỏ nhất từng ghi nhận trên thế giới.Họ đã phá kỷ lục trước đó do Zain Ahmad Qureshi (người Pakistan) thiết lập vào năm 2022.