12 kỹ năng sống thiết thực cho con trong thế kỷ 21

Phan Thoa
Kỹ năng sống cho con không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà cha mẹ người thầy đầu tiên dạy cho trẻ kỹ năng sống từ khi sinh ra và môi trường kỹ năng sống tốt nhất cho trẻ chính là gia đình.

Giảng viên Phan Hồ Điệp (ĐH Sư phạm Hà Nội, mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam) từng kể trên báo về chuyện một học sinh giỏi đi du học tại Singapore từ năm lớp 11. Tháng nào mẹ em đó cũng mua vé máy bay từ Sài Gòn sang để giặt quần lót cho con. Lý do là các quần áo ngoài thì có người giặt nhưng quần lót thì họ yêu cầu tự giặt. Vì thế em đó cứ để vậy và chờ mẹ. Mẹ em kể chuyện xong rồi nói: “May mà bay từ Sài Gòn sang Sing cũng tiện”!

Ở những khu vực vui chơi công cộng, cũng dễ dàng bắt gặp những hình ảnh đứa trẻ cao ngổng, lớn đùng đứng sừng sững cho mẹ sắn quần, buộc dây giày. Trong nhiều gia đình, trẻ lớp 4, lớp 5 bố mẹ vẫn phải bón cho ăn. Còn tại trường học nhiều cô giáo bất lực khi học sinh lớp 2,3 đi tè còn chưa biết đòi, nhiều khi hồn nhiên tũn ra lớp bởi ở nhà, căn giờ có người đưa đi vệ sinh…

Người xưa có câu tiên trách kỷ, hậu trách nhân, có thể hiểu rằng với việc nhiều con trẻ không biết làm việc nhà, không biết tự lo cho bản thân là do lỗi của người lớn. 

Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý thì dạy con làm việc nhà mục đích chính không phải là để đỡ đần cha mẹ mà để tập cho con biết chia sẻ công việc chung, có tinh thần trách nhiệm, giúp trẻ hình thành tính tự lập ngay từ lúc nhỏ. Khi giao việc nhà cho con thì nên cương quyết để trẻ tự làm, không nên làm thay vì sẽ tạo nên ở trẻ tính ỷ lại. Khi trẻ có biểu hiện làm qua loa cho xong chuyện, người lớn phải uốn nắn kịp thời, nếu không sẽ hình thành nên tính lười biếng ở trẻ sau này.

Cha mẹ nào cũng muốn những điều tốt nhất cho con mình. Chúng ta muốn nuôi dạy trẻ đúng cách và luôn ở đó khi con cần. Mặc dù không thể dạy trẻ mọi thứ, nhưng có một số kỹ năng quan trọng mà mọi bậc cha mẹ đều nên dạy con.

Những kỹ năng này sẽ giúp trẻ xử lý vấn đề tốt hơn trong cuộc sống và trở thành một công dân có trách nhiệm, biết tôn trọng trong xã hội.

Dưới đây là 12 kỹ năng sống mà bất kỳ ai cũng cần để có thể tự tin bước vào những năm tháng đầu đời, chuẩn bị cho sự trưởng thành hoàn thiện.

Nấu một bữa ăn

Nấu ăn là một kỹ năng sống thiết thực nhất. Bạn – bậc phụ huynh lúc nào cũng quan tâm đến từng bữa ăn dinh dưỡng của con – vẫn sẽ có lúc bận rộn, mệt mỏi hoặc không thể ở nhà nấu nướng. Lúc này, nếu được rèn luyện việc kỹ năng trên từ sớm, trẻ sẽ tự động có hướng đi cho mình. Ngay cả khi sau này sống xa nhà, trẻ vẫn có khả năng làm chủ việc ăn uống.

Giặt quần áo

Khi dạy cho con những việc nhà cơ bản như giặt đồ, bạn nên cẩn thận hướng dẫn và động viên từng bước một để không làm cho trẻ cảm thấy nản. Bạn hãy chỉ cho trẻ cách làm, sau đó quan sát trẻ thực hiện một lần để chắc chắn rằng con bạn đã làm được và để cho trẻ tự làm một mình vào những lần sau.

Tự sắp xếp cặp của mình

Bạn luôn luôn soạn cặp cho con mình để đảm bảo trẻ sẽ không quên sách vở hay đồ dùng hoc tập ở nhà. Thế nhưng, một ngày nào đó trẻ sẽ phải lớn lên rồi đi làm, bạn không thể nào là người sửa soạn mãi được. Là bậc làm cha làm mẹ, bạn hãy rèn cho con kỹ năng tự chịu trách nhiệm cho hành trang của mình bạn nhé.

Sơ cứu vết thương

Khi trẻ bị thương, bố mẹ có thể sẽ vì lo lắng mà hoảng sợ và xuýt xoa quá mức. Điều này là dễ hiểu, nhưng điều trẻ cần hơn chính là cách làm thế nào để xử lý tình huống này tốt nhất. Nếu được rèn luyện cách bình tĩnh dù thấy máu, thấy đau và tự xử lý tốt vết thương của mình, trẻ sẽ hoàn toàn tự tin vào bản thân mà bước qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Dọn sạch phòng tắm

Việc dọn dẹp nhà vệ sinh cần nhiều kỹ năng. Con bạn cần học cách làm sạch nắp, chỗ ngồi của bồn cầu. Nếu trẻ đủ lớn, bạn có thể cho trẻ dùng một số dung dịch tẩy rửa không độc hại và chỉ cho trẻ các tự dọn phòng tắm. Bố mẹ hãy bày cho con một số mẹo nhỏ hữu ích như “rắc baking soda lên bề mặt cần lau rửa, để trong một vài phút, đổ vào một ít giấm, sau đó chà bằng bàn chải nhà vệ sinh” chẳng hạn.

Đi mua đồ ở hàng tạp hóa/siêu thị

Con bạn cần biết cách tự mình đi siêu thị, tạp hóa. Bố mẹ hãy tập cho trẻ bằng cách đưa giỏ và danh sách khoảng 5-6 món đồ cần mua để trẻ tự đi chọn lựa. Nếu bé còn khá nhỏ, bạn có thể đưa con mẫu giấy ghi vài món đồ và để bé đi mua ở tiệm tạp hóa gần nhà để làm quen dần dần với kỹ năng này nhé.

Lên kế hoạch cho một chuyến đi chơi

Vì yêu thương con, chúng ta thường có những nỗi sợ khá vô lý, vô tình làm trẻ cảm thấy sợ hãi thế giới này. Bạn hãy sẵn sàng để trẻ tự đi coi phim, đến trung tâm mua sắm, đi dạo phố hoặc đi ăn, bất kỳ thứ gì mà trẻ muốn. Đến lúc trẻ cần được dang rộng đôi cánh của mình, bạn hãy là người nâng đôi cánh cho trẻ.

Sử dụng phương tiện công cộng

Đây cũng là một kỹ năng sống cần thiết để có thể đi đến bất kỳ đâu và làm được mọi việc. Với một sự bảo bọc bằng cách đưa đón thường xuyên, đến mọi nơi của bố mẹ, trẻ sẽ không thể nào đi xa ra khỏi vòng tay của bố mẹ, tức là sẽ không thể đi đâu mà không có bố mẹ. Nếu vậy, bao giờ thì con bạn khôn lớn được?

Gọi món khi đi ăn ở bên ngoài

Khi cả gia đình đi ăn ở ngoài, bạn hãy nhắc nhở con nhìn vào mắt của người phục vụ, tỏ ra lịch sự, gọi món muốn chọn và nói lời cảm ơn. Một ngày nào đó, khi trẻ đi ăn với bạn bè hoặc bạn trai, bạn gái, trẻ sẽ rất cần đến kỹ năng này đấy.

Nói chuyện với người lạ

Giao tiếp với ai, như thế nào cũng là một kỹ năng sống cần phải học. Thế giới bên ngoài không nguy hiểm, nhưng đôi khi lời nói không khéo sẽ gây nhiều cái hại khôn lường, đặc biệt là khi giao tiếp với người lạ. Bố mẹ nên là những người giúp con học được điều quan trọng này.

Viết một lá thư

Rất nhiều người không thực sự biết cách trình bày một lá thư. Trong khi, đây là một kỹ năng thiết yếu. Ngay cả trong công việc hay cuộc sống, giao tiếp bằng thư từ đều phải đạt một mức độ chuẩn mực nhất định. Nếu được bố mẹ lưu ý điều này từ sớm, con bạn sẽ tự tin và nổi trội.

Sử dụng thiết bị định vị

Nếu bạn đã từng bị lạc bởi sự chỉ dẫn của GPS trên các ứng dụng chỉ đường, bạn sẽ biết tại sao khả năng đọc bản đồ là điều cần thiết (trên điện thoại của bạn). Bạn hãy dạy con cách đọc bản đồ để tăng cường kỹ năng định hướng của trẻ nhé.

Làm bố mẹ, kiêm luôn chức người thầy của con không hề dễ dàng chút nào. Bạn có thể không phải lúc nào cũng bên con, nhưng lúc nào con cũng cần được sự “dẫn lối” của bố mẹ – bằng những kỹ năng sống thiết thực đã được rèn từ trước. Không bao giờ là quá sớm hay muộn để bạn trang bị cho con những điều trên, thế nên, hãy lên kế hoạch ngay, bạn nhé!

Duy Minh (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết 12 kỹ năng sống thiết thực cho con trong thế kỷ 21 tại chuyên mục Kỹ Năng Sống của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Kỹ Năng Sống khác

Có một ngày gọi là sinh nhật

Sắp đến sinh nhật con rồi. Không chỉ con, mà cả nhà đều mong đợi. Mẹ đã chuẩn bị sẵn tinh thần chiêu đãi con và các anh chị em họ của con những món ngon các con vẫn thích. Mọi người đang tìm hiểu xem con đang mơ ước được nhận món quà gì?

Dạy kĩ năng sống cho học sinh qua chuyện cổ tích

Các bạn học sinh khối 3 trường Tiểu học Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) đã được tham gia diễn đàn “Xây dựng kĩ năng sống cho trẻ qua chuyện cổ tích”. Diễn đàn là một trong những hoạt động phát triển năng lực học sinh.

Nhường nhịn bạn gái là ga-lăng

Tối nay, lúc ăn cơm, mẹ cứ phàn nàn con chẳng “ga-lăng” gì cả, giành đồ chơi với bạn gái. Rồi lại lấy quyển sách đập lên đầu bạn nữa chứ. Con cãi, vì bạn đập con trước. Rồi con cứ bực bội với mẹ mãi… Bố biết, vì con chưa hiểu thế nào là “ga-lăng”, và vì sao đàn ông, con trai lại phải nhường nhịn đàn bà, con gái?

Bí kíp để không sợ bác sĩ

Hôm qua con bị đau bụng. Thế mà con cứ cố chịu đau không dám kêu, cho đến khi mặt tái nhợt, bố phát hiện ra mới đưa con đi khám. Hóa ra, con sợ bác sĩ. Cả hai anh em con, cứ nhắc đến bác sĩ là sợ rúm cả người lại.