Thường xuyên ăn đồ cay
Đây là kiểu ăn uống “vị giác thích thú nhưng dạ dày đau khổ”. Vị cay sẽ gây nóng, kích thích quá mức, thậm chí làm sưng phù niêm mạc thực quản và ruột. Nó cũng là nguyên nhân dẫn tới đau bụng, ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu và trào ngược dạ dày thực quản. Nhất là đối với các món ăn có nhiều ớt, tiêu... Với những bạn tiêu hóa kém hay vốn mắc bệnh dạ dày, việc ăn đồ cay nóng sẽ làm tình trạng bệnh trở nặng. Chưa kể, ăn cay chỉ thích thú cho vị giác nhất thời, về lâu về dài vẫn gây hại.
Ăn không đúng bữa
Ăn uống thất thường, không đúng bữa, không đúng giờ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh dạ dày. Các nghiên cứu cho thấy, khi ăn đúng giờ, dạ dày sẽ tiết dịch vị tiêu hóa thức ăn, nhưng nếu bạn ăn uống thất thường, dạ dày vẫn duy trì thói quen đó. Lâu dần, cơ chế đó bị rối loạn dẫn đến bệnh đau dạ dày, viêm loét hoặc ung thư dạ dày.
Chưa kể, ăn uống thất thường còn ảnh hưởng tới đồng hồ sinh học toàn bộ cơ thể, khiến hệ miễn dịch suy yếu và dạ dày dễ bị mầm bệnh tấn công hơn. Tốt nhất chúng ta nên ăn đúng bữa và lặp lại mỗi ngày vào khoảng thời gian nhất định. Không nên ăn tối quá muộn, ăn khuya khiến dạ dày làm việc quá tải.
Ăn quá nhiều muối
Nhiều người thích món ăn nêm nếm đậm đà, có thói quen ăn mặn mà không biết nó hại thế nào. Tuy nhiên. lượng muối cao sẽ làm giảm tiết axit dạ dày, tăng nguy cơ viêm teo dạ dày. Đặc biệt, muối tương tác với vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) gây viêm loét dạ dày và tá tràng.
Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy những ai thường xuyên ăn đồ ăn mặn có nguy cơ ung thư dạ dày cao gấp 2 lần so với những người khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5 gram muối mỗi ngày.
Ăn quá nhanh, không tập trung khi ăn
Nếu ăn quá nhanh, thức ăn sẽ không được tiêu hóa kỹ ở khoang miệng, trực tiếp chuyển đến dạ dày khi vẫn còn ở dạng thô. Điều này làm hại niêm mạc dạ dày, tăng gánh nặng và thời gian làm việc cho dạ dày. Đây là nguyên nhân chính gây đau dạ dày và các bệnh dạ dày nguy hiểm khác nếu duy trì trong thời gian dài.
Vì vậy, bữa ăn của chúng mình chỉ nên kéo dài ít nhất 20 phút và nhai chậm, nhai kỹ. Không tập trung khi ăn cũng khiến bạn ăn nhiều hơn mà không biết. Như vậy không những làm dạ dày quá tải, suy yếu mà còn làm tăng nguy cơ tăng cân, béo phì. Ngoài ra, cũng nên tập trung khi ăn, không nên vừa ăn vừa nói chuyện hay xem tivi, điện thoại...
Ăn quá ít rau củ, trái cây
Rau xanh và trái cây cung cấp rất nhiều chất xơ cùng nhiều vitamin, dưỡng chất khác. Nếu ăn quá ít rau củ, trái cây sẽ dẫn tới giảm nhu động ruột, khó tiêu hóa dẫn tới dạ dày bị làm việc quá sức và suy giảm chức năng. Táo bón lâu ngày còn có thể gây bệnh trĩ hoặc viêm ruột thừa.
Chúng ta nên bổ sung 450gram trái cây và rau củ mỗi ngày. Một số trái cây có tính axit cao, không nên ăn khi đói như: quả hồng, dứa, cà chua... Đồng thời, nên tăng cường ăn các loại rau họ cải vì có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm TNTP Chủ Nhật. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm TNTP Chủ Nhật. Nếu bạn quan tâm, có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |