Mỗi khi chúng ta tìm hiểu cách học hiệu quả từ những người lớn, thường sẽ nhận được những câu trả lời như lên lịch trình học tập thật khoa học, chăm chỉ nghiên cứu và ngủ đủ giấc...Nó có tính ứng dụng cao, nhưng lại phổ biến và ai cũng làm được những điều này.
Nếu muốn có một thành tích học tập xuất sắc trong tương lai với từng bước đi chắc chắn, chúng ta cần tìm ra những phương pháp khác biệt.
1. Tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau và biến nó thành quan điểm riêng của bạn
Hầu hết các bạn học sinh ở nước ta từ nhỏ đều bị động thu nhận kiến thức. Vì thế đã bị tạo ra một tâm lý ức chế với nhiều bạn lười học. Bây giờ cần thay đổi ngay cách học này của chúng ta bằng cách nên chủ động hơn nữa tiếp cận kiến thức và tự tạo cho mình hứng khởi với sách vở. Từ đó dần dần, ta mở rộng ra tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và tự tổng hợp lại viết thành "hồ sơ" của riêng mình theo trật tự phù hợp với bản thân. Mỗi khi có thêm thông tin gì mới, hãy bổ sung vào đó. Cách này không chỉ giúp bạn hiểu vấn đề qua nhiều góc nhìn mà còn tự đưa ra ý kiến của mình về thông tin. Việc đối chiếu nội dung sẽ giúp bạn một cái nhìn khái quát, óc tổ chức, sắp xếp cao hơn.
2. Đánh giá trình độ thường xuyên
Các bài kiểm tra, bài thi là một phương pháp giáo viên, nhà trường đo lường trình độ hiểu biết của học sinh, sinh viên về vấn đề. Để học giỏi, đừng đợi đến lúc đó để đánh giá bản thân (Lúc đó đã là quá muộn rồi). Hãy thường xuyên tự kiểm tra mình bằng những đề tự ra hoặc tìm trên mạng. Việc này không chỉ giúp bạn nhớ thông tin lâu hơn, kiểm tra tiến triển học tập của bản thân mà còn rèn cho bạn cách làm bài, chịu áp lực.
3. "Lợi dụng" cảm xúc của bản thân
Trong nhiều trường hợp, điều ảnh hưởng tới khả năng học tập của học sinh là ở cảm xúc hơn là khả năng tư duy. Bạn sẽ thích học hơn nếu đó là môn học, chủ đề mình hứng thú. Bạn sẽ có thể tập trung học lâu hơn nếu bản thân có khả năng chịu sức ép. Hãy tiếp cận việc học theo hướng tích cực, tự khơi gợi hứng thú học hành của bạn. Ngoài ra, coi việc học là một lần thi cũng thúc đẩy tâm trí của bạn chịu áp lực cao hơn.
4. Đừng so sánh mình với bạn cùng lớp
Mỗi người có một định nghĩa riêng về khái niệm thành công trên đường đời. Do đó, các bạn học sinh giỏi không cần phải chú ý đến những gì người khác đã và đang làm bởi họ có mục tiêu, đích đến của họ. Việc so sánh bản thân với người khác chỉ khiến bạn thêm áp lực và giảm bớt động lực học hành.
5. Hạn chế sử dụng sách hướng dẫn khi làm bài tập
Cùng với việc ghi điểm và giành vị trí cao trong học tập thì điều quan trọng chính là kiến thức mà các bạn thu thập được. Mỗi một bài tập, bạn có thể dễ dàng tìm được đáp án trong sách hướng dẫn, trên mạng Internet hoặc từ một người khác. Tuy nhiên cố gắng nghĩ ra cách giải bài tập sẽ giúp bạn tích lũy kiến thức chắc chắn hơn. Nếu vẫn không tìm ra hướng giải quyết, bạn có thể tìm hiểu gợi ý để giải bài tập đang khiến mình đau đầu.
6. Xây dựng những mối quan hệ học tập
Trong khi bạn nên có mục tiêu, đích đến của riêng mình, việc học cũng có thể có lợi ích từ tập thể. Mạng lưới quan hệ rộng rãi với các thầy cô, cố vấn, chuyên gia, đàn anh, đàn chị sẽ rất hữu dụng khi bạn cần thảo luận, chia sẻ, thắc mắc về một vấn đề. Đừng ngại hỏi lời khuyên, kinh nghiệm, ý kiến của những người xung quanh.
Ngọc Hà
Theo Goconqr